Những ngày cuối năm, nông dân tại vùng chuyên canh thanh long ở huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) vui mừng vì giá loại trái cây này được thương lái mua ở mức cao gấp 3 lần so với thời điểm cách đây một tháng. Nhờ đó, người trồng thanh long thu được lợi nhuận cao.
Sau khi cắt bán 5 tấn thanh long với giá 25.500 đồng/kg, bà Nguyễn Thị Bé - nhà vườn trồng thanh long tại xã Quơn Long (Chợ Gạo) - khoe, trừ chi phí sản xuất, bà thu lãi gần 100 triệu đồng.
Cổng thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang cũng cho hay, vào tháng 8 (thời điểm thu hoạch rộ), giá thanh long giảm mạnh, thương lái thu mua thanh long ruột đỏ giá chỉ từ 2.000-4.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng giá từ 5.000-6.000 đồng/kg. Nay, các vựa thanh long ở huyện Chợ Gạo đang thu mua thanh long ruột đỏ loại 1 với giá trên 34.000 đồng/kg, loại 2 với giá 28.000-30.000 đồng/kg và loại 3 là từ 23.000-25.000 đồng/kg.
So với thời điểm cách đây một tháng, giá thanh long đã tăng gấp 3 lần, còn so với rộ vụ thu hoạch hồi tháng 8 thì giá tăng gấp cả chục lần.
Nguyên nhân khiến giá thanh long tăng cao là bởi loại trái cây này bước vào vụ nghịch, sản lượng giảm, trong khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang thuận lợi hơn rất nhiều.
Tại thủ phủ thanh long Bình Thuận, giá thanh long cũng tăng mạnh. Cụ thể, thanh long ruột trắng loại 1 có giá 13.000-15.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ giá 35.000-37.000 đồng/kg.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Trần Đình Trung - Giám đốc HTX Thanh long Thuận Tiến (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) - thừa nhận, giá thanh long ruột đỏ hiện tăng lên mức 35.000-40.000 đồng/kg, nhưng nguồn cung từ các nhà vườn không có nhiều. Với thanh long ruột trắng, giá nhích lên mức 8.000-13.000 đồng/kg tuỳ loại.
Diện tích thanh long của các thành viên HTX Thanh Long Thuận Tiến chỉ vào khoảng 24ha, diện tích liên kết khoảng 200ha. Do là nghịch vụ nên nguồn cung khá hạn chế.
Giá thanh long ruột trắng hiện tăng mạnh so với thời điểm cuối năm 2021, nhưng chưa thể phục hồi về mức giá năm 2019 - thời điểm trước dịch Covid-19. Dù vậy, người trồng thanh long bắt đầu có lời.
Thời điểm này, thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc thuận lợi hơn trước. Hàng xuất khẩu sang các thị trường khác như Mỹ, Úc, EU,... cũng tốt hơn bởi giá cước vận chuyển đã hạ nhiệt. Do đó, giá thanh long đang dần phục hồi, ông Trung chia sẻ.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính, chiếm khoảng 90% kim ngạch xuất khẩu thanh long của nước ta.
Thời gian qua, Trung Quốc siết chặt kiểm soát dịch Covid-19 khiến xuất khẩu thanh long bị ảnh hưởng nặng. Song, việc kiểm soát dịch của quốc gia này được nới lỏng, hoạt động xuất khẩu diễn ra thuận lợi hơn. Đặc biệt, nguồn cung thanh long nội địa của Trung Quốc đang giảm, trong khi nhu cầu cho Tết Nguyên đán 2023 lại tăng cao buộc họ phải đẩy mạnh nhập khẩu.
Dịp cận Tết này, nhu cầu trái cây tươi tại thị trường nội địa của nước ta cũng tăng mạnh nên giá thanh long tăng theo, ông cho hay.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 10/2022, xuất khẩu thanh long đạt đạt 552,3 triệu USD, chiếm 32,5% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta.
Ông Nguyên nhận định, năm 2023 xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc sẽ thuận lợi hơn. Do đó, kim ngạch xuất khẩu thanh long có thể lấy lại mốc tỷ USD.
Theo Vietnamnet