Hiện nay, trên thị trường đang diễn ra một nghịch lý, đó là mặc dù giá lợn hơi chỉ bằng 1/3 so với lúc giá lợn lập đỉnh năm 2020, nhưng giá thịt lợn trên thị trường vẫn giảm nhỏ giọt, người tiêu dùng vẫn phải mua thịt giá cao. Nói đơn giản, thực tế giá lợn hơi giảm 60.000 đồng/kg, nhưng giá thịt lợn trên thị trường chỉ giảm 20.000 đồng/kg.
Người tiêu dùng vẫn phải mua thịt giá cao
Khảo sát tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, giá thịt vẫn dao động từ 100.000 - 140.000 đồng/kg. Cụ thể, thịt ba chỉ, nạc dăm, sườn non có giá 130.000 - 140.000 đồng/kg; thịt chân giò, thịt thăn, mông có giá 100.000 - 120.000 đồng/kg…
Chị Bạch Thị Hồng, người dân phường Ngọc Lâm, quận Long Biên bức xúc: “Tôi đọc báo thấy giá lợn hơi giảm sâu nhất kể từ 2 năm trở lại đây, nhưng thực tế tôi vẫn phải mua thịt ngoài chợ giá cao, giá có giảm nhưng rất nhỏ giọt".
Khi phóng viên thắc mắc vì sao giá lợn hơi thấp nhưng giá bán thịt vẫn cao, chị Nguyễn Thị Hạnh, tiểu thương tại chợ Bông Đỏ, Hà Đông lý giải, thực tế để thịt ra được đến chợ thì phải qua nhiều khâu trung gian, bao gồm từ chuồng trại đến thương lái, bán buôn cấp 1, cấp 2, lò mổ, bán buôn lợn mảnh, pha lóc và cuối cùng mới đến tiểu thương ở chợ. Trong khi, dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên tình hình buôn bán rất ế ẩm, lượng hàng bán ra chỉ bằng 50% so với trước dịch. Người bán ôm hàng về chợ nhưng chợ ế, nên phải cân đối lợi nhuận.
Theo GS-TS Lã Văn Kính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, một con lợn sau khi giết mổ, tỷ lệ thịt móc hàm (nạc và xương, bỏ các phụ phẩm và đầu) còn 75%, trong đó, riêng tỷ lệ thịt nạc chiếm 55%. Với mức giá lợn hơi trung bình 40.000 đồng/kg, thì giá thịt khoảng 70.000 - 80.000 là tiểu thương đã có lãi.
Trên thực tế có thể thấy giá cả thịt lợn trên thị trường đang bị thả nổi, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và chính DN sản xuất chế biến ngành thực phẩm cũng khó khởi động trở lại.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nêu nhận định: So với năm 2020, giá lợn hơi hiện tại thấp hơn 60%, nhưng giá bán lẻ lại giảm không đáng kể. Điều này chứng tỏ trong khâu phân phối đang có vấn đề.
Ông Phú phân tích, trong thời kỳ dịch, giá các mặt hàng nói chung có cộng thêm các chi phí kiểm dịch, nhưng đó là phần nhỏ, nay mọi thứ đã giảm, xóa giãn các, lưu thông thông thoáng trở lại. Nhưng giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn cao chứng tỏ khâu trung gian đang “ăn dày”.
Theo ông Vũ Vinh Phú, để giảm giá thịt lợn, phải cắt giảm bớt khâu trung gian. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần chia sẻ, làm trọng tài, bắt buộc các nhà bán lẻ kê khai giá, kê khai khâu nào đội giá lên sẽ biết để điều chỉnh. Cùng với đó, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương cần ngồi lại giải quyết vấn đề giá thịt.