Giá heo hơi tại miền Bắc
Cụ thể, tại tỉnh Bắc Giang giá heo hơi báo tăng nhẹ 1.000 đồng/kg lên mức 47.000 đồng/kg.
Ngược lại, tại tỉnh Ninh Bình giá heo hơi lại giảm 1.000 đồng/kg xuống 48.000 đồng/kg.
Các địa phương còn lại không thay đổi. Tại tỉnh Thái Nguyên giá heo hơi ở mức cao nhất toàn miền 49.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Tuyên Quang, Hưng yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định giá heo hơi ở mức 46.000 - 48.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Phú Thọ giá heo hơi được thu mua với mức 45.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc đang dao động trong khoảng từ 45.000 - 49.000 đồng/kg.
Giá heo hơi ngày 30/12/2021: Thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ nuôi heo. Ảnh: Bích Ngọc
Giá heo hơi tại miền Trung - Tây Nguyên
Cụ thể, tại tỉnh Quảng Ngãi giá heo hơi giảm 2.000 đồng/kg, hiện được thu mua với mức 47.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Quảng Nam, Bình Thuận giá heo hơi đồng loạt giảm 1.000 đồng/kg xuống mức 48.000 đồng/kg. Tương tự, tại tỉnh Quảng Trị giá heo hơi cũng giảm 1.000 đồng/kg xuống 47.000 đồng/kg.
Các địa phương còn lại như Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk, Hà Tĩnh, Huế, Bình Định, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận giá heo hơi ở mức 48.000 - 49.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Quảng Bình giá heo hơi đang ở mức 47.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Trung - Tây Nguyên đang dao động trong khoảng từ 47.000 - 49.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại miền Nam
Cụ thể, tại tỉnh Bình Phước, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang, Vũng Tàu giá heo hơi ở mức 48.000 - 49.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Vĩnh Long, Kiên Giang, Bến Tre giá heo hơi được thu mua với mức 47.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Nam dao động trong khoảng từ 47.000 - 49.000 đồng/kg.
Thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ nuôi heo
Sinh ra trong nghèo khó nhưng tư tưởng không chịu nghèo đã giúp ông Phạm Văn Hải (trú tại thôn Tân Cương, xã Ngọc Mỹ, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) quyết tâm vươn lên làm giàu. Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ sách vở, bạn bè, tận dụng lợi thế đất đai rộng, năm 2007, gia đình ông bắt tay xây dựng mô hình chăn nuôi heo với quy mô nhỏ. Đến năm 2010, ông mở rộng mô hình chăn nuôi khép kín lên tới 10.000m2 với cộng nghệ hiện đại từ hệ thống chuồng trại kết hợp với đảm bảo vệ sinh môi trường. Trang trại tuân thủ nội quy “nội bất xuất, ngoại bất nhập” và được xây dựng đúng chuẩn kỹ thuật, được trang bị hệ thống thông gió, sưởi ấm, làm mát. Vệ sinh chuồng trại được bảo đảm nghiêm ngặt; khoảng cách từ cổng đến trang trại là 100m, được rải vôi và có nhân viên kiểm tra theo quy định. Mỗi ngày đàn heo đều được chăm sóc và theo dõi kỹ lưỡng; định kỳ 3 ngày sẽ phun thuốc khử trùng một lần để bảo đảm an toàn. Các vấn đề vệ sinh về nguồn nước, nguồn thức ăn đều được chú trọng nhằm tăng cường khả năng đề kháng cho đàn heo.
Cuối năm 2016, thị trường chứng kiến sự tuột dốc của giá thịt heo hơi trên cả nước, tiếp đó, từ năm 2019 đến nay, dịch lở mồm long móng, dịch tả heo Châu Phi xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi. Nhưng với quyết tâm vươn lên, duy trì thành quả đã gây dựng được, ông Hải tiếp tục bám đàn. Trong khi nhiều hộ gia đình bỏ đàn, không tái đàn nữa vì thua lỗ, gia đình ông vẫn phát triển mô hình chăn nuôi heo và cho thu nhập ổn định. Đến nay, trang trại heo của gia đình ông có hơn 300 con heo nái, gần 4.000 con heo bột và heo con. Trung bình mỗi tháng sẽ cho xuất chuồng từ 400 đến 500 con, trừ chi phí mỗi năm, trang trại cho thu nhập khoảng từ 5 - 6 tỷ đồng/năm. Mô hình của gia đình ông thường xuyên tạo việc làm cho 14 lao động với thu nhập ổn định.
Nói về bí quyết thành công trong chăn nuôi, ông Phạm Văn Hải cho biết: “Tôi thường xuyên tham khảo kỹ thuật chăn nuôi cùng với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mạnh dạn trong việc đầu tư hệ thống chuồng trại khép kín, vệ sinh môi trường, lựa chọn kỹ con giống, quan trọng nhất là tiêm phòng đầy đủ cho đàn heo đúng thời điểm và liều lượng…”.
Để giúp bà con trong thôn cùng phát triển kinh tế, ông Hải tích cực tuyên truyền, vận động bà con thay đổi tư duy, suy nghĩ, đổi mới cách làm; ông cũng không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm cũng như kỹ thuật trong chăn nuôi cho các hộ có nhu cầu. Đã có rất nhiều hộ học theo mô hình chăn nuôi của gia đình ông, nhờ đó đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên rõ rệt.
Với những nỗ lực trong quá trình phát triển kinh tế gia đình, gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ông Phạm Văn Hải đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.