Hôm qua (26/3), sau 2 tuần “trượt dốc”, lần đầu tiên giá dầu thế giới lại vượt ngưỡng 120 USD/thùng. Điều này khiến Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) đã cảnh báo rằng, thế giới có thể rơi vào cuộc khủng hoảng nguồn cung dầu lớn nhất trong nhiều thập kỷ.
Giá dầu đã nhanh chóng trở lại đà tăng khi giá dầu Brent kết thúc tuần giao dịch ở mức 120,7 USD/thùng và dầu thô ngọt nhẹ WTI lên 113,9 USD/thùng. Tính cả tuần, dầu Brent đã tăng hơn 11,5% và dầu WTI tăng 8,8%, đánh dấu 1 tuần tăng của giá dầu, cắt đứt chuỗi giảm 2 tuần liên tiếp.
Việc giá dầu thô tăng mạnh trong những phiên cuối tuần được nhận định là do hôm 25/3, lực lượng Houthi ở Yemen thực hiện các vụ tấn công xuyên biên giới bằng thiết bị bay không người lái và tên lửa nhằm và các cơ sở khai thác dầu khí của Saudi Arabia.
Saudi Arabia vốn đóng vai trò hàng đầu trong ngành công nghiệp dầu mỏ, hiện nước này vẫn chưa đồng ý gia tăng sản lượng khai thác dầu như phương Tây mong muốn. Chính vì thế, các cuộc tấn công vào kho chứa dầu và cơ sở khai thác dầu khí Aramco của Saudi Arabia ngay lập tức khiến giá dầu biến động.
Thêm một thông tin bất lợi nữa cho giá dầu quay đầu tăng giá là do các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine hiện vẫn chưa đạt kết quả cụ thể, khiến nhiều nước phương Tây cân nhắc cấm nhập khẩu dầu của Nga. Đáp trả, Nga đang yêu cầu các quốc gia "không thân thiện" phải thanh toán các khoản mua dầu bằng đồn RUB, tạo ra sự băn khoăn cho các bên nhập khẩu.
“Thông thường, sự biến động hàng ngày của giá dầu là 1% hoặc 2%. Chính vì vậy, mức biến động lên đến 5% trong 1 phiên là tương đối bất thường. Điều này liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine khiến thị trường bất an, bởi có thể sẽ sẽ có thêm các biện pháp trừng phạt Nga. Đây là lý do mà giá năng lượng lại tăng trở lại”, ông Matt Stucky, chuyên gia cấp cao của Công ty quản lý tài sản Tây Bắc của Mỹ cho biết.
Ngoài ra, giá “vàng đen” đã leo dốc khi dữ liệu của chính phủ Mỹ cho thấy các kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 2,5 triệu thùng trong tuần trước, so với kỳ vọng tăng khiêm tốn. Thêm vào đó, việc sửa chữa để nối lại đường ống dẫn dầu Caspian Pipeline Consortium (CPC), của Kazakhstan bị hư hại bởi bão cũng dấy lên lo ngại gián đoạn nguồn cung trong thị trường đang “khát” dầu, vì sản lượng có thể giảm khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày trong thời gian sửa chữa.
Hiện nhiều nước hy vọng, Iran và các nước phương Tây khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Có như vậy, dầu mỏ của Iran có thể cung cấp vào thị trường thế giới giúp giá dầu hạ nhiệt./.
Theo VOV