Theo đó, lúc 6h sáng nay 25/5 (giờ Việt Nam), giá Bitcoin trên sàn CoinDesk giao dịch ở mức 29.755 USD, tăng 2,5% so với hôm qua, giúp mỗi tiền ảo có thêm gần 700 USD.
Dữ liệu thống kê trong 24 giờ qua cho thấy tiền ảo phổ biến và giá trị nhất thế giới giao dịch thấp nhất tại 28.641 USD và cao nhất tại 29.795 USD.
Theo CoinMarketCap, khối lượng giao dịch Bitcoin trong khoảng thời gian này vào khoảng 26,7 tỷ USD. Vốn hóa thị trường ở mức 565 tỷ USD.
Trên sàn Vicuta, sàn giao dịch được nhiều người Việt quan tâm, giá mua vào Bitcoin tăng lên 695 triệu đồng, trong khi giá bán ra cũng bị đẩy lên mức 731 triệu đồng.
Việc Bitcoin hồi phục giúp nhiều tiền ảo vốn hóa lớn tăng trưởng trở lại. Nổi bật là Binance Coin tăng 3,38%, Ripple tăng 1,27%, Cardano tăng 2,3%, Solana tăng 1,04%, Polkadot tăng 3%...
Tổng vốn hóa toàn thị trường sáng nay tiếp tục tăng 1,19% lên 1.270 tỷ USD.
Bitcoin gần đây biến động thất thường về giá. Theo ông Scott Minerd, Giám đốc đầu tư của Guggenheim, nếu không sớm cải thiện, giá Bitcoin có thể lao dốc về 8.000 USD. Nếu điều này xảy ra, Bitcoin cũng sẽ mất khoảng 88% giá trị với mức đỉnh lịch sử. Đây sẽ là cú giáng gây đau đớn cho Bitcoin và thị trường tiền mã hóa.
“Bitcoin vẫn có nhiều khả năng suy yếu, đặc biệt trong bối cảnh FED thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất”, ông Minerd nhận định.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde mới đây cũng cho rằng tiền kỹ thuật số không dựa trên bất cứ điều gì và cần có quy định để tránh tình trạng đầu cơ. So sánh với đồng EUR kỹ thuật số, một dự án có thể sớm hoàn thành trong 4 năm tới của ECB, bà Lagarde tin rằng tiền mã hóa không có giá trị, không có chỗ dựa và không có tài sản cơ bản nào đóng vai trò như một mỏ neo an toàn.
Chủ tịch ECB kêu gọi các nhà lập pháp toàn cầu đưa ra các quy định để bảo vệ các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm đang đặt cược lớn vào tiền ảo.
“Tôi lo ngại về những người nghĩ rằng sẽ có phần thưởng nào đó dành cho họ. Đó là những người không hiểu về rủi ro. Họ sẽ mất tất cả và rơi vào thất vọng khủng khiếp. Đó là lý do tôi cho rằng cần phải dùng đến pháp luật”, bà Lagarde nói.