HĐQT trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2019 với doanh thu hợp nhất 2.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 695 tỷ đồng. Trong khi doanh thu vượt 3% thì lợi nhuận chỉ bằng 32% so với kết quả thực hiện năm trước. Lý do không còn ghi nhận khoản tiền từ chuyển nhượng vốn như năm trước (1.578 tỷ đồng).
Nếu chỉ tính từ kết quả sản xuất kinh doanh thông thường, Gemadept có mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng 15%, ở mức 695 tỷ đồng.
Ông Đỗ Văn Nhân, Chủ tịch HĐQT cho biết chỉ một số ít doanh nghiệp cảng và logistics đặt chỉ tiêu kinh doanh 2019 tương đương năm trước, còn lại phần lớn chỉ bằng 80 - 90%. Điều này phản ánh sự lo ngại và cẩn trọng cho khó khăn của thị trường.
Ông Nhân cũng đánh giá năm 2018, ngành hàng hải có sự phân cực rõ nét. Khối khai thác cảng và logistics hoạt động tốt, vận tải biển thua lỗ nặng nề. Nhiều công ty vận tải biển tiệm cận vốn chủ sở hữu âm. Trong 2 - 3 năm tới, công ty vận tải biển sẽ còn khó khăn như thế.
Năm 2018, GMD có kết quả kinh doanh chính tăng trưởng tương đối tốt so với năm trước, khi doanh thu vượt 12% kế hoạch và lợi nhuận trước thuế từ kinh doanh thông thường vượt 6%, lần lượt đạt 2.707 tỷ đồng và 604 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT cho rằng đây là năm đánh dấu sự tăng tốc trong hoạt động khai thác vận tải biển của GMD, thông qua việc đưa dự án cụm Cảng Nam Đình Vũ tại Hải Phòng đi vào khai thác, đạt hiệu quả cao. Công ty kỳ vọng năm 2019, Nam Đình Vũ sẽ bắt đầu có lãi.
Cùng triển khai 2 cảng trọng điểm Nam Đình Vũ và Gemalink Cái Mép
Gemadept đặt mục tiêu năm 2019, công ty sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới logistics ở các vùng kinh tế trọng điểm, đặc biệt vùng ĐB Sông Cửu Long. Về khai thác cảng, GMD sẽ triển khai 2 dự án cảng trọng điểm ở hai đầu đất nước bao gồm cụm cảng Nam Đình Vũ (Hải Phòng) giai đoạn 2, tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng; cảng nước sâu Gemalink Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu) giai đoạn 1 xấp xỉ 6.500 tỷ đồng.
Tới thời điểm này, việc thu xếp vốn cho dự án cảng nước sâu đã hoàn thành. Ngày 20/2, GMD đã khởi công tiếp tục việc xây dựng dự án Gemalink, dự kiến khai thác từ quý III/2020. Tổng giám đốc Đỗ Văn Minh cho biết Gemalink dự kiến hòan vốn trong 9 năm, bắt đầu có lãi từ năm 2021.
Chủ tịch HĐQT khẳng định cả hai dự án một khi đưa vào khai thác giúp GMD gấp đôi công suất, trở thành nhà khai thác cảng và logistics hàng đầu ở Việt Nam. Đây cũng là mục tiêu mà GMD theo đuổi trong thời gian qua cũng như trong giai đoạn tới.
Kế hoạch đến 2020, GMD vận hành hiệu quả hệ thống các cảng hiện hữu: Nam Hải, Nam Hải Đình Vũ, Nam Hải ICD và Nam Đình Vũ (giai đoạn 1), Phước Long và Bình Dương. Công ty đồng thời triển khai, đưa vào khai thác đúng tiến độ cảng nước sâu Gemalink giai đoạn 1, cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2; M&A các cảng trong khu vực có điều kiện thuận lợi; gia tăng thị phần.
Ở miền Trung, GMD sẽ khai thác hiệu quả cảng quốc tế Gemadept Dung Quất, hướng đến các dự án FDI trong khu vực. Tại miền Nam, công ty dự kiến đưa vào khai thác đúng tiến độ cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam Gemalink; khai thác tối đa hiệu quả cảng Phước Long, Bình Dương, dự án Mekong Logistics; đầu tư cảng sông...
Tiếp tục M&A ngành vận tải và phân phối, thoái vốn bất động sản, cao su
Phần thảo luận, lãnh đạo GMD cho biết đà tăng trưởng của logistics tăng 14 - 18%, nhờ sự quan tâm của Chính phủ, tăng trưởng ngành bán lẻ và vận tải biển. Kế hoạch sắp tới, liên doanh CJ - GMD sẽ đưa vào hoạt động 1 trung tâm cho hàng ecomic hiện đại, tương đương tầm cỡ thế giới. Công ty cũng đang tiếp cận và hợp tác với 1 hoặc 2 công ty bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
GMD có định hướng nghiên cứu M&A một số công ty khác, lĩnh vực đầu tiên ngắm tới là vận tải và phân phối. Với các công ty logisitcs, GMD có đầu tư vào tài sản. Lãnh đạo công ty đánh giá đầu tư vào tài sản sẽ là xu thế và việc quan trọng nhất của GMD hiện tại là cải thiện biên lợi nhuận phần logistics.
Ông Đỗ Văn Minh, Tổng giám đốc nói GMD cũng có kế hoạch thoái vốn dự án rừng cao su ở Campuchia, 2 dự án bất động sản với mục tiêu hoà vốn mới bán. Với dự án rừng cao su, lô đầu tiên có thể được khai thác thử trong năm nay và khai thác đại trà năm sau nếu giá cao su tốt hơn.
Trong năm 2018, CJ và GMD đã hợp tác thành lập liên doanh Gemadept - CJ Logistics. Lãnh đạo công ty khẳng định thời gian qua, hai bên đã thiết lập các nguyên tắc làm việc, quy trình, quy chế để vận hành, quản trị các công ty con.
CJ hỗ trợ cho GMD về công nghệ, hệ thống, giới thiệu cho GMD một số khách hàng Hàn Quốc, khách hàng đa quốc gia mà trước đây GMD chưa tiếp cận được. Đây là cơ sở tốt để GMD có được hệ thống khách hàng toàn cầu.
Trong tờ trình Đại hội, GMD dự kiến chia cổ tức 15% bằng tiền năm 2018.
Đồng thời, HĐQT còn trình cổ đông hủy bỏ ngành nghề kinh doanh có giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp hơn 49% như khai thác gỗ, bán buôn nhiên liệu, dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải hàng không, nghiên cứu thị trường và thăm dò dư luận. Tờ trình này nhằm hỗ trợ cho việc GMD đã nới room về 49% trong năm 2018 theo Nghị quyết ĐHĐCĐ.
PV