Doanh nghiệp đang tới tấp chốt đơn hàng xuất khẩu cho năm 2023.
Giá trên đỉnh, doanh nghiệp chốt đơn hàng lớn
Những ngày cuối năm 2022, ông Nguyễn Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - thông tin, công ty vừa chốt được đơn hàng 8.000 tấn gạo thơm. Trước đó, doanh nghiệp này cũng chốt đơn 20.000 tấn gạo sang Hàn Quốc, dự kiến xuất từ đầu năm 2023.
Theo ông Bình, giá gạo 5% tấm đang ở mức rất cao và dự báo sẽ tăng tiếp. Còn giá gạo chất lượng cao xuất khẩu cũng ở mức 750-1.200 USD/tấn tuỳ loại. Đây là mức giá có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt.
Đơn hàng công ty Trung An nhận được kéo dài đến tháng 4/2023, quý I gần như kín đơn khách đặt.
Những thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Úc, Trung Đông,... đang rất chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam. Đơn hàng liên tục được ký mới. Bởi vậy, ông Bình tính toán xuất khẩu gạo năm 2023 sẽ tiếp tục thuận lợi, doanh thu tăng khoảng 30% so với năm 2022.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường gần đây tiếp tục tăng. Ngày 24/12, giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ở mức 453 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với đầu tháng 12; gạo 25% tấm có giá bán ở mức 438 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn.
Một số doanh nghiệp đánh giá, chưa năm nào giá gạo thơm ST24, ST25 xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, châu Âu có giá trên 1.000 USD/tấn như năm 2022.
Giá gạo Việt Nam xuất khẩu liên tục vượt qua các đối thủ cạnh tranh Thái Lan, Ấn Độ để vươn lên đứng đầu thế giới, khẳng định lại vị thế “hạt ngọc” Việt tại “chợ toàn cầu”.
Ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, tiết lộ, năm 2022 xuất khẩu gạo của doanh nghiệp này tăng hơn 200% vào thị trường tiêu chuẩn cao châu Âu, doanh thu tăng hơn 150% so với năm trước. Nhiều nước đã đặt hàng gạo Việt Nam với số lượng lớn, tạo tín hiệu lạc quan cho thị trường. Tới đây, doanh nghiệp này sẽ đẩy mạnh xúc tiến, đưa thương hiệu gạo Việt Nam vào các thị trường châu Âu khác như Đức, Thụy Sĩ...
Thông tin từ Bộ NN-PTNT, năm 2022 sản lượng gạo xuất khẩu đạt 7,2 triệu tấn - cao nhất trong vài năm gần đây và vượt mục tiêu đề ra gần 1 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 3,49 tỷ USD, mức cao nhất kể từ năm 2013 trở lại đây.
Không chỉ tăng cả sản lượng và giá trị, hạt gạo Việt ngày càng chiếm lĩnh đa dạng thị trường. Trong đó, các thị trường "khó tính" khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao. Đặc biệt, xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ tăng 85%, thị trường EU tăng 82%.
Bỏ tư duy buôn chuyến, chuyển hướng đi đường dài
Chuyên gia nông nghiệp nhận định, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2023 tiếp tục tăng trưởng tốt do thời tiết khắc nghiệt ở nhiều quốc gia châu Á (nơi chiếm 90% sản lượng gạo toàn cầu); tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán gay gắt ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc (nước có nhu cầu tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới) đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt.
Chưa kể, chất lượng và độ an toàn thực phẩm của gạo Việt Nam ngày được nâng cao nên được nhiều thị trường cao cấp trên thế giới lựa chọn. Các nước nhập khẩu gạo lớn như Trung Quốc, châu Phi, Philippines, Indonesia...có nhu cầu lớn về gạo Việt Nam.
Để đón đầu cơ hội xuất khẩu gạo năm 2023, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các vùng trọng điểm sản xuất ưu tiên các giống lúa ngắn ngày chất lượng cao, giống lúa thơm phù hợp với yêu cầu của thị trường; giảm tỷ lệ các giống lúa chất lượng trung bình và lúa nếp.
Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành sản xuất lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị, phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp tập trung xây dựng thương hiệu cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Theo Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, các doanh nghiệp đã hiểu được câu chuyện hướng đến thị trường cao hơn. Qua thông tin của doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang châu Âu, Nhật Bản... cho thấy, chúng ta xuất đi hàng hoá có chất lượng, tập trung vào yêu cầu của từng thị trường.
Ông cho rằng, gạo Việt Nam xuất sang thị trường châu Âu hay Nhật Bản, dù ở giai đoạn này quy mô chưa lớn, nhưng rõ ràng đó là tín hiệu cho thấy một khi thay đổi được tư duy sẽ tạo ra giá trị gia tăng, dẫn dắt người trồng lúa làm theo tiêu chuẩn của thị trường.
Nói cách khác, doanh nghiệp dần từ bỏ tư duy mua bán buôn chuyến, mang tính chất thương vụ mà giờ mang tính định hình thị trường về mặt lâu dài.
Ông dẫn chứng, trước kia có đơn hàng doanh nghiệp mới bắt đầu thu mua lúa gạo. Bây giờ có rất nhiều doanh nghiệp như Lộc Trời, Trung An... liên kết với người nông dân tạo thành vùng sản xuất lúa gạo lớn để dần ổn định nguồn nguyên liệu, đáp ứng được nhu cầu thị trường.