Trong bảy ngày qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại các tỉnh, thành miền Tây tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc mới tăng, xuất hiện nhiều ổ dịch ngoài cộng đồng.

Nhiều địa phương nguy cơ cao và rất cao

Trước làn sóng dịch thứ tư, tỉnh Bạc Liêu ghi nhận 52 F0, là các công dân của Việt Nam về từ nước ngoài cách ly tại Bạc Liêu, không ghi nhận F0 trong cộng đồng. Sau làn sóng dịch lần thứ tư bùng phát, ngày 28-5, Bạc Liêu ghi nhận F0 đầu tiên trong cộng đồng là một giáo viên bị lây nhiễm từ ổ dịch điểm nhóm hội thánh truyền giáo Phục Hưng ở quận Gò Vấp (TP.HCM). Kể từ thời điểm này đến trước ngày 23-8, toàn tỉnh Bạc Liêu ghi nhận 93 F0 trong cộng đồng, trong đó chủ yếu là người về từ các tỉnh đang có dịch, hầu hết đã được cách ly ngay sau khi về đến tỉnh. Tuy nhiên, từ ngày 23-8 đến nay, số ca mắc mới ở Bạc Liêu tăng và đến nay lũy kế số ca mắc là 5.260 ca, trong đó đã điều trị hồi phục 1.460 ca, đang theo dõi, điều trị 3.760 ca và số tử vong là 40 ca.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Bạc Liêu, dịch đang diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát trở lại và mới đây tỉnh này phân loại lại cấp độ dịch với cấp độ 4 - nguy cơ rất cao.

Mới nhất, Sở chỉ huy phòng chống dịch TP Cần Thơ vừa đề xuất tăng cấp độ dịch ở TP này lên cấp độ 3 (hiện ở cấp độ 2), trong đó có bốn quận cấp độ 3 và năm quận, huyện cấp độ 2; cấp xã có 16 đơn vị cấp độ 1, 45 đơn vị cấp độ 2, 14 đơn vị cấp độ 3 và tám đơn vị cấp độ 4.

Theo đánh giá, TP Cần Thơ với vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế của vùng ĐBSCL, khi chuyển sang trạng thái bình thường mới đã tiếp nhận nhiều người dân từ các tỉnh, thành đến công tác, khám chữa bệnh. Từ ngày 22-10 đến nay, số lượng F0 ghi nhận mỗi ngày tăng mạnh, cạnh đó TP Cần Thơ liên tục ghi nhận ổ dịch mới tại một số hẻm, khu vực đông dân cư, bệnh viện, công ty… và đã phát sinh một số ổ dịch lớn trên địa bàn trong 14 ngày qua.

Cụ thể, đó là các ổ dịch trong cộng đồng dân cư gồm các khu vực, phường của các quận Ninh Kiều, Thốt Nốt, Ô Môn và huyện Thới Lai; trong trường ĐH có Khoa thủy sản Trường ĐH Cần Thơ với 13 F0. Còn trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh gồm: Công ty Thủy sản CVN (Khu công nghiệp (KCN) Thốt Nốt) với 52 F0; Công ty Thủy sản BĐ (KCN Trà Nóc 2) có 684 F0 tại 7/9 quận, huyện (trừ quận Cái Răng và huyện Vĩnh Thạnh); Công ty NM (KCN Trà Nóc 1) có 15 F0; Công ty KLP (KCN Trà Nóc 1) có bốn F0.

Trước đó, Hậu Giang công bố phân loại cấp độ dịch đối với 75 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Qua đó, trên địa bàn tỉnh không còn xã vùng xanh - cấp độ 1 mà thấp nhất là cấp độ 2 với 63 xã, phường, thị trấn; cấp độ 3 nguy cơ cao là ba xã, phường, thị trấn và vùng đỏ - nguy cơ rất cao là chín xã, phường, thị trấn. Đáng chú ý, ngoại trừ huyện Long Mỹ không có xã nguy cơ rất cao, còn lại bảy huyện thị và TP trên địa bàn tỉnh đều có xã, phường, thị trấn rơi vào nguy cơ rất cao, trong đó “điểm nóng” là các huyện Châu Thành A, Phụng Hiệp và Vị Thủy.

Tỉnh Hậu Giang cũng điều chỉnh các biện pháp chống dịch khi hạn chế người dân ra đường sau 21 giờ hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau, các hàng quán ăn uống không bán tại chỗ mà chỉ bán mang về.

Còn ở Cà Mau, từ ngày 6-11, toàn tỉnh có chín xã, thị trấn vùng đỏ (cấp độ 4) và 27 xã, phường, thị trấn vùng cam. Còn lại 65 xã, phường, thị trấn của các huyện, TP Cà Mau thuộc vùng vàng (cấp độ 2).

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau chỉ đạo đối với xã, phường, thị trấn có nguy cơ cao (cấp độ 4) thì chủ tịch UBND huyện rà soát ra quyết định cách ly, phong tỏa nghiêm ngặt toàn xã; ở xã cấp độ 3 thì tùy theo mức độ nguy cơ, đặc điểm địa hình, địa bàn dân cư xem xét xác lập vùng cách ly, phong tỏa trên tinh thần không được chạy theo mức độ lây lan mà phải bao vây, khống chế dịch.

F0 tăng mạnh, miền Tây tăng cường năng lực điều trị - ảnh 1
Cần Thơ phát sinh một số ổ dịch trên địa bàn trong 14 ngày qua.
Ảnh: NHẪN NAM 

Mạnh dạn để F1, F0 được cách ly, điều trị tại nhà

Lúc trước TP chưa cho F1 cách ly tại nhà vì chưa phủ vaccine. Giờ khác rồi, TP mạnh dạn cho F1, F0 ở nhà vì hiện người dân đã được tiêm vaccine nhiều. Nói một cách nào đó thì người tiêm hai mũi có nhiễm thì gần như không có triệu chứng. UBND TP đã giao Sở Y tế có hướng dẫn để triển khai thực hiện sớm nhất. Trong đó, trước mắt là áp dụng với F1 rồi tiếp theo là F0 không có triệu chứng.

 

Ông DƯƠNG TẤN HIỂN, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ

Sẵn sàng năng lực điều trị cho hàng ngàn FO

Ở TP Cần Thơ, số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng cao mỗi ngày mà điều kiện giường bệnh hạn chế nên TP đang chuẩn bị các điều kiện để F1, F0 được cách ly, điều trị tại nhà.

Báo cáo của Sở Y tế TP Cần Thơ, tính đến chiều 6-11, TP điều trị theo mô hình tháp ba tầng với khả năng điều trị là 3.100 giường (tầng 1 là 1.850 giường, tầng 2 là 1.050 giường và tầng 3 là 200 giường). Tổng số bệnh nhân đang điều trị cùng thời điểm trên là 2.288 người, trong đó tầng 1 có 1.693 người/1.850 giường điều trị (tức tầng 1 chỉ còn trống 157 giường, tầng 2 đang điều trị trên 50% khả năng, tầng 3 là gần 30%).

Theo ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ, TP giảm một số bệnh viện (BV) dã chiến để hoàn trả cơ sở vật chất cho các đơn vị để các đơn vị này phục vụ công tác chuyên môn, do vậy tổng số giường điều trị cho bệnh nhân COVID-19 của TP giảm. Để đảm bảo công tác điều trị, TP đang chuẩn bị để F1, F0 được cách ly, điều trị tại nhà.

Còn việc cấp cứu các ca nặng, ông Hiển cho biết TP vẫn duy trì như trước. Tầng 3 có ba BV là đa khoa TP, đa khoa Trung ương, Lao và bệnh phổi. Còn tầng 3 chuyên sâu như phụ nữ có con nhỏ hay mang thai thì có BV Phụ sản, trẻ em nhiễm mà nặng thì có BV Nhi đồng.

F0 tăng mạnh, miền Tây tăng cường năng lực điều trị - ảnh 2
Cần Thơ phát sinh một số ổ dịch trên địa bàn trong 14 ngày qua.
Ảnh: NHẪN NAM 

“TP đang tập trung vào cái đó, bây giờ trong điều kiện không đủ BV dã chiến để thu dung, điều trị hết những bệnh nhân COVID-19 thì phải tính tới cho F0 điều trị tại nhà nhưng khi người ta có bệnh thì phải có BV thu dung, điều trị đáp ứng được. Ở đây nói đến là người có bệnh, tức người nhiễm virus SARS-CoV-2 thì nhiều nhưng không phải ai cũng có bệnh, có bệnh là ở tầng 2” - phó chủ tịch UBND TP cho hay.

Tương tự, tại Cà Mau, tỉnh này đã thành lập 96 trạm y tế lưu động với 470 nhân viên y tế. Trong đó có 105 bác sĩ, 365 nhân viên chuyên môn khác. Các trạm y tế lưu động được trang bị thiết bị, cơ số thuốc và các phương tiện cần thiết để phục vụ việc thu dung, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân COVID-19. Tại Cà Mau, đang điều trị 1.221 bệnh nhân tại các BV và năng lực tiếp nhận điều trị có thể đáp ứng thêm khoảng 1.000 bệnh nhân. Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh này trong cuộc họp tuần qua với ban chỉ đạo của tỉnh đã có ý kiến lưu ý các địa phương trong tỉnh phải chủ động phương án điều trị F0 tại nhà, trong đó lưu ý nơi cách ly, điều trị F0 phải thuận tiện về giao thông để kịp thời tiếp cận y tế, vận chuyển bệnh nhân khi bệnh diễn tiến nặng.

Bạc Liêu sẵn sàng điều trị gần 7.000 F0 cùng lúc

Riêng tại Bạc Liêu, địa phương này được đánh giá là nguy cơ rất cao bùng phát dịch trên diện rộng nếu không có các phương án “đánh chặn” theo khuyến cáo của đội ngũ chuyên gia y tế đến từ BV Chợ Rẫy (TP.HCM). Hiện Bạc Liêu đã kích hoạt thêm các BV, điểm điều trị F0 với tổng năng lực điều trị của tỉnh có khả năng đảm trách 6.670 ca và đã hình thành 72 trạm y tế lưu động theo hướng dẫn của Bộ Y tế để đảm trách việc hỗ trợ điều trị. Bạc Liêu hiện vận hành trạm chiết nạp ôxy để phục vụ công tác điều trị COVID-19 và tập trung tối đa nguồn nhân lực, trang thiết bị phục vụ công tác thu dung, phân loại và điều trị bệnh nhân.