7 năm qua, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (VNR) nợ 340 tỷ đồng. Đây là khoản tiền thuê (và cả tiền phạt chậm nộp) khu đất 551 Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội), nơi đặt Cty CP Xe lửa Gia Lâm. Năm 2019, Cục Thuế Hà Nội phát văn bản nhắc nợ và nói rõ nếu VNR không trả có thể bị áp dụng biện pháp cưỡng chế (phong tỏa tài khoản, hóa đơn). Vì sao VNR thành “chúa Chổm”?
Tiền thuê đất cao hơn tổng doanh thu
Trong nhiều năm qua, VNR liên tục, kiến nghị các bộ, ngành (thậm chí cả Thủ tướng) để xin giải quyết khúc mắc liên quan việc xác định loại đất để tính tiền thuê tại số 551 Nguyễn Văn Cừ (Nhà máy xe lửa Gia Lâm).
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hoàng Gia Khánh, Phó Tổng giám đốc VNR cho biết, năm 2019, do tiền thuê đất chưa thanh toán kéo dài, cơ quan thuế từng ra thông báo sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế nếu VNR không trả. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc làm việc, với lý do đang chờ các bộ, ngành xử lý vướng mắc, nên ngành thuế thống nhất tạm thời chưa áp dụng cưỡng chế tiền thuê đất với VNR.Trên sổ sách, VNR vẫn nợ tiền thuê đất hơn 340 tỷ đồng.
Khu đất 551 Nguyễn Văn Cừ rộng hơn 203.800m2, Nhà máy xe lửa Gia Lâm (nay là Cty CP Xe lửa Gia Lâm) sử dụng ổn định từ trước tới nay. Khu đất này đặt nhiều công trình: Hệ thống đường ray, nhà xưởng, văn phòng, hệ thống xử lý nước, điện; đường nội bộ, hồ điều hòa, vườn hoa, cây xanh. Hiện tại, các công trình này được đường sắt sử dụng để chế tạo, sửa chữa đầu máy, toa xe phục vụ ngành đường sắt.
Rắc rối phát sinh từ năm 2013, sau khi các đơn vị thành viên của VNR cổ phần hóa.Theo thủ tục, sau khi cổ phần hoá, UBND thành phố Hà Nội quyết định giao VNR thuê lại toàn bộ khu đất trên. Sau đó, VNR sử dụng hơn 122.900m2, phần còn lại giao cho Cty CP Xe lửa Gia Lâm và Cty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội sử dụng.
Năm 2014, Sở Tài chính Hà Nội phê duyệt đơn giá thuê đất, thay cho các hợp đồng trước đây.Trong quyết định này, tiền thuê đất được tính trên toàn bộ khu đất, với đơn giá hơn 368.000 đồng/m2/năm.Các quyết định này không phân biệt giữa đất hạ tầng đường sắt và hạ tầng phục vụ đường sắt (lâu nay vốn được miễn tiền thuê đất) với đất phục vụ sản xuất kinh doanh (tính tiền thuê đất). Điều này khiến tiền thuê đất tăng mạnh so với trước đây (chỉ 4.550 đồng/m2/năm), và chỉ tính là đất thuê để sản xuất kinh doanh.
Với diện tích và mức giá thuê của Sở Tài chính Hà Nội áp cho đường sắt, số tiền thuê VNR phải trả cho khu đất 551 Nguyễn Văn Cừ lên tới 75 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, theo đơn giá và cách tính cũ, tiền thuê cả năm chỉ 8,6 tỷ đồng (năm 2013). Số tiền thuê đất theo cách tính mới cao hơn tổng doanh thu cả năm của Cty CP xe lửa Gia Lâm (chỉ từ 61đến 74 tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2014-2017); cao gấp đôi vốn điều lệ của công ty này (36 tỷ đồng).
Tính chung giai đoạn 2014-2019, tổng số tiền thuê khu đất VNR phải trả là hơn 381 tỷ đồng. Trong đó, VNR mới nộp 129 tỷ đồng tiền thuê phần đất sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh (hơn 80.900m2); số còn lại (hơn 252 tỷ đồng) cho phần đất kết cấu hạ tầng đường sắt, công trình phục vụ đường sắt (hơn 122.900m2) VNR vẫn nợ. Tới hết năm 2019, VNR còn nợ tiền thuê đất và phạt chậm nộp hơn 340 tỷ đồng.
Ðùn qua đẩy lại
Để xử lý vướng mắc trên, VNR đã có nhiều văn bản kiến nghị, họp với các bộ, ngành và lãnh đạo TP Hà Nội, nhưng tới nay vấn đề trên vẫn chưa xử lý được. Lãnh đạo các bộ, ngành và Hà Nội đã xuống tận nơi kiểm tra thực tế, thống nhất phương án sử dụng đất. Bộ GTVT và Bộ Tài chính đồng ý phân rõ các loại đất và chỉ tính tiền thuê với phần đất sản xuất kinh doanh, phần còn lại được miễn (theo Luật Đường sắt), còn TP Hà Nội lại chưa thống nhất. Vào thời điểm khác, Bộ GTVT và TP Hà Nội thống nhất thì Bộ Tài chính lại chưa đồng ý.
Chủ tịch HĐTV VNR Vũ Anh Minh cho rằng, UBND Hà Nội và Sở Tài chính tính tiền thuê đất với toàn bộ khu vực Nhà máy xe lửa Gia Lâm không phân chia theo mục đích sử dụng là chưa phù hợp. Khi hầu hết diện tích đất tại đây là hạ tầng đường sắt quốc gia và công trình phục vụ đường sắt do nhà nước đầu tư, phải thuộc diện được miễn tiền thuê đất. Cách tính tiền thuê đất thay đổi đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của tổng công ty và các công ty thành viên. Đặc biệt, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tổng công ty lỗ khoảng 1.400 tỷ đồng. Tổng công ty có nguy cơ không còn tiền để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Sau nhiều năm làm việc với các bộ, ngành và Hà Nội vẫn chưa xử lý được, tháng 6/2019, VNR đã phải báo cáo Thủ tướng về khó khăn, vướng mắc trên, để xin ý kiến chỉ đạo xử lý.
Tháng 3/2020, Sở TN&MT Hà Nội có văn bản hướng dẫn VNR thực hiện thủ tục xác nhận diện tích đất đang sử dụng tại 551 Nguyễn Văn Cừ. Theo đó, VNR cần báo cáo Bộ GTVT xác nhận phần diện tích đất kết cấu hạ tầng đường sắt và đất công trình công nghiệp đường sắt (loại đất này được miễn tiền thuê đất). Sau đó VNR lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh mục đích sử dụng gửi Sở TN&MT Hà Nội để báo cáo UBND TP Hà Nội. Tháng 4 vừa qua, VNR đã có văn bản báo cáo và đề nghị Bộ GTVT xác nhận theo hướng dẫn trên.
Việt Lê
Tiền phong