Bộ Công an đang lấy ý kiến của người dân đối với dự thảo lần 2 "Thông tư quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông". Nếu được thông qua, thông tư này sẽ có hiệu lực trong năm 2019 và thay thế Thông tư 54/2009-BC hiện hành.
Không thuộc bí mật đời tư
Trong dự thảo thông tư lần này, Bộ Công an đề xuất nhân dân chỉ được giám sát công an trong chấp hành điều lệnh, thái độ, tác phong; cách xử lý có khách quan, đúng pháp luật hay không. Việc giám sát được thực hiện qua thông tin công khai của công an và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng; qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với công an và qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Như vậy, so với quy định tại Thông tư 54, dự thảo này của Bộ Công an không còn hình thức giám sát của người dân qua "quan sát, phát hiện hoạt động của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân khi làm nhiệm vụ ở trụ sở, nơi làm việc hoặc trên tuyến đường hay trên các phương tiện giao thông".
Với việc loại bỏ hình thức giám sát trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng công dân sẽ mất đi quyền giám sát hoạt động của cảnh sát trong quá trình thực thi nhiệm vụ bằng hình thức quay phim, chụp ảnh, ghi âm.
Theo luật sư Thơm, cán bộ tiếp công dân hay lực lượng cảnh sát là những người đại diện cho quyền lực nhà nước thực thi công vụ, là tượng trưng cho sự "công khai, dân chủ, công bằng, văn minh". Hiến pháp quy định công dân được làm những gì pháp luật không cấm. Vì thế, việc cấm người dân quay phim, chụp ảnh là trái luật, trái với quyền dân chủ và thực hành giám sát của công dân.
CSGT ghi hình người vi phạm Ảnh: LÊ PHONG
"Đây là quan hệ hành chính nhà nước chứ không phải quan hệ dân sự thông thường và không thuộc phạm vi bí mật đời tư. Chỉ ở những nơi được coi là thuộc phạm vi bí mật nhà nước như khu vực an ninh, quốc phòng hay các nơi có biển cấm hoặc quy định hạn chế thì người quay phim, chụp hình bắt buộc phải có sự cho phép của cơ quan chức năng, của đơn vị có thẩm quyền" - luật sư Thơm phân tích.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng quy định trong dự thảo mới có nội dung còn mơ hồ, nhất là quy định công dân được giám sát công an ra sao. "Tôi có thể ngầm hiểu Bộ Công an lo lắng tình trạng nhiều người cố tình ghi hình cắt ghép và thậm chí thấy tổ công tác đang làm việc chạy đến quay phim, nói lời xúc phạm. Nhưng cũng không thể cấm khi người dân ghi hình giám sát, ghi nhận việc xử phạt, mãi lộ… Cần quy định cụ thể hơn, trường hợp nào được phép, trường hợp nào hạn chế" - luật sư Đức đề nghị.
Nên để người dân quay phim, ghi hình
Nhìn nhận về vấn đề này, đại tá Trần Sơn, cựu Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của Cục CSGT - Bộ Công an, cho rằng trong hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thì CSGT là lực lượng tiếp xúc nhiều nhất với người dân, đây cũng là bộ mặt của lực lượng công an nên càng công khai, minh bạch càng tốt. Đại tá Sơn đề nghị Bộ Công an nghiên cứu để đưa vào dự thảo những quy định rõ hơn về cách thức, hình thức giám sát. Cụ thể, người dân có thể quay phim, chụp hình, ghi âm khi CSGT thực thi nhiệm vụ.
"Lâu nay, chúng ta cũng thấy từ các video clip, hình ảnh vi phạm do người dân phản ánh trên mạng xã hội hay trên báo chí mà CSGT đã tiến hành xác minh, xử lý người vi phạm. Do đó, với tinh thần công khai, minh bạch thì việc cho quay phim, chụp hình, ghi âm khi CSGT thực thi nhiệm vụ là cần thiết" - ông Sơn nói.
Về những ý kiến trên, đại diện Cục CSGT cho biết dự thảo thông tư lần 2 mới đưa ra để xin ý kiến người dân và cơ quan chức năng cùng thẩm định của Bộ Tư pháp, nếu nhận được sự đồng thuận thì mới thông qua.
Các video khiến thế giới đánh giá thấp pháp luật Việt Nam
Ông Trần Tùng, nguyên cán bộ CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM, cho rằng dự thảo thông tư mới phù hợp thực tiễn.
Theo ông Tùng, thời gian qua xuất hiện nhiều video do một số tài xế, người dân cố tình quay với dụng ý không tốt đưa lên trên mạng kèm lời lẽ thiếu khách quan. Từ đó, các nước trên thế giới nhìn vào và đánh giá pháp luật Việt Nam chưa nghiêm.