Đây là năm thứ 18, chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" được Báo Người Lao Động phối hợp với các Sở giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), các trường ĐH, CĐ, các chuyên gia giáo dục, các doanh nghiệp trong thực hiện nhằm mang đến cho thí sinh, phụ huynh, đặc biệt là thí sinh ở các vùng còn thiếu thông tin, đầy đủ, chính xác về những quy định mới trong thi và tuyển sinh năm 2019.
Tư vấn toàn diện
Nội dung tư vấn sẽ tập trung toàn diện các vấn đề nóng mà thí sinh quan tâm trong mùa tuyển sinh 2019: Những quy định mới trong thi THPT quốc gia 2019 và xét tuyển; nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu tuyển dụng về số lượng, chất lượng và ngành nghề; đề án tuyển sinh riêng, chỉ tiêu, quy mô đào tạo của các trường; tư vấn chọn nghề, ngành và chọn trường phù hợp; định hướng các ngành học đáp ứng nhu cầu xã hội; các vấn đề về du học; tư vấn tâm lý, sức khỏe mùa thi…
Ban tư vấn chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” và thí sinh đặt câu hỏi nhờ ban tư vấn trả lời (hình dưới) Ảnh: TẤN THẠNH - CAO NGUYÊN
Chương trình không bó hẹp vào tuyển sinh ĐH mà mở rộng tới các hệ đào tạo khác như CĐ, nghề, trung cấp…; không chỉ tuyển sinh vào trường công lập mà còn các trường ngoài công lập; không chỉ các trường ĐH tại TP lớn mà còn các trường địa phương… Thí sinh sẽ nắm được bức tranh toàn cảnh trong tuyển sinh, từ đó có những lựa chọn phù hợp nhất qua sự định hướng chọn ngành, chọn trường của các chuyên gia tuyển sinh hàng đầu trong cả nước.
Để thông tin tư vấn đạt hiệu quả cao, chương trình sẽ thực hiện đồng loạt bằng 3 hình thức: Tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh trực tiếp (tại 4 tỉnh, thành); tư vấn tuyển sinh trực tuyến (trên Báo Người Lao Động điện tử) và phát hành "Cẩm nang tuyển sinh 2019" trên toàn quốc.
Đặt chất lượng tư vấn lên hàng đầu
Ban tư vấn của chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" 2019 sẽ là những chuyên gia tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp giàu kinh nghiệm nhất hiện nay và đại diện các trường ĐH có thế mạnh ở nhiều lĩnh vực: kinh tế, sư phạm, kỹ thuật, xã hội, y dược, nghệ thuật… để tư vấn sâu sát nhất năng lực và sở thích của từng thí sinh, từ đó khơi gợi cho các em các tố chất nghề nghiệp mà các em muốn theo đuổi.
Ban tư vấn chất lượng, hùng hậu, giàu kinh nghiệm gồm có TS Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam), TS Lê Thị Thanh Mai (Trưởng Ban Công tác sinh viên ĐHQG TP HCM), TS Trần Đình Lý (Trường ĐH Nông Lâm TP HCM), TS Đặng Thị Ngọc Lan (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing), PGS-TS Lê Hiếu Giang (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM) cùng đại diện các trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch, Sư phạm TP HCM, Ngoại thương, Ngân hàng TP HCM và các trường ngoài công lập, các trường ĐH, CĐ địa phương…
Ban tư vấn sẽ đồng hành với thí sinh trong các chương trình tư vấn trực tuyến (online) trên Báo Người Lao Động điện tử từ tháng 1 đến hết tháng 7-2019 trong từng thời điểm nóng nhất của mùa tuyển sinh với các chủ đề thiết thực. Ban tư vấn sẽ đến các địa phương trong những chương trình tư vấn trực tiếp để thí sinh tha hồ "chất vấn".
Chương trình tư vấn trực tiếp dự kiến tổ chức tại 4 tỉnh, thành: Đồng Tháp (ngày 9-3); Bình Định (ngày 16-3); Khánh Hòa (17-3) và TP HCM (ngày 23-3). Các chương trình đều được đài truyền hình các tỉnh, thành truyền hình trực tiếp và Báo Người Lao Động tường thuật trực tuyến để phục vụ đông đảo người quan tâm.
Phát hành "Cẩm nang tuyển sinh 2019"
Để đáp ứng nhu cầu thông tin của thí sinh và phụ huynh tại các điểm tư vấn, Báo Người Lao Động sẽ phát hành cuốn "Cẩm nang tuyển sinh 2019" (dự kiến trên 120 trang), thông tin về những điểm mới nhất của thi THPT quốc gia và xét tuyển 2019; ngành nghề và cơ hội việc làm; những ngành cần nhu cầu nhân lực; thông tin về tuyển sinh của các trường; hướng nghiệp - chọn ngành, chọn nghề; du học; bí quyết ôn thi đạt điểm cao; tư liệu điểm chuẩn của các ngành học...
"Cẩm nang tuyển sinh 2019" dự kiến phát hành vào đầu tháng 3-2019 trên phạm vi toàn quốc.
Ý KIẾN TS LÊ THỊ THANH MAI, Trưởng Ban Công tác sinh viên ĐHQG TP HCM:
Một chương trình có bản sắc
Những thay đổi lớn từ kinh tế - xã hội và xu hướng việc làm đã tác động lớn đến ngành giáo dục. Nhu cầu về hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh của học sinh cũng khác xưa nhiều.
"Đưa trường học đến thí sinh" của Báo Người Lao Động giữ được sắc thái riêng của chương trình, với dàn chuyên gia chọn lọc, tổ chức chu đáo. Bên cạnh việc giúp học sinh tự tin trong hướng nghiệp cho bản thân, chương trình còn giúp thí sinh có bức tranh tổng quát về xu thế nghề nghiệp, ranh giới giữa các ngành nghề, giúp giảm tỉ lệ bỏ học của sinh viên. Chương trình còn tác động đến giáo viên trong công tác hướng nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hướng nghiệp cho học sinh.
ThS NGUYỄN ANH VŨ, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP HCM:
Hữu ích khi đến vùng sâu, vùng xa
Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục ĐH có xu hướng gia tăng, hoạt động truyền thông tuyển sinh của các trường được triển khai rất đa dạng, sôi động và chuyên nghiệp, Báo Người Lao Động đã chọn cho mình một phân khúc riêng đó là đem các trường ĐH, CĐ đến với những thí sinh vùng sâu, vùng xa, những nơi mà điều kiện về thông tin còn rất hạn chế.
Ngoài thông tin về tuyển sinh của các trường, các thí sinh còn được tư vấn cặn kẽ về cách thức chọn nghề; về yêu cầu, đặc điểm và triển vọng của những ngành nghề mà mình quan tâm. Từ khắp các tỉnh - thành, sau phần tư vấn chung, các chuyên gia tư vấn của chương trình đều phải nán lại rất lâu để giải đáp những thắc mắc, trả lời những câu hỏi riêng của đông đảo thí sinh. Dù phải trải qua những hành trình rất vất vả để đến được với các thí sinh nhưng các chuyên gia tư vấn đều rất vui vì nhìn vào mắt các thí sinh, họ biết được ý nghĩa của chương trình mang lại.
TS TRẦN ĐÌNH LÝ, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM:
Đậm chất hướng nghiệp
Tôi tham gia chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" của Báo Người Lao Động 17 năm qua, đến nay xâu chuỗi lại, tôi thấy nổi bật nhất là "chất" hướng nghiệp...
Hằng năm, mỗi trường ĐH có khoảng vài trăm sinh viên tự nguyện thôi học và bị buộc thôi học. Chỉ tiếc rằng các em đã từng là học sinh giỏi các cấp lại không thể trụ lại để ngồi chễm chệ trong danh sách bị buộc thôi học vì nhiều nguyên nhân: thái độ học, thiếu kỹ năng, chây lười, do cả chủ quan. Nhưng điểm chung và cái lý do xuyên tâm, theo tôi, đó là sự lựa chọn sai nghề, sai ngành, sai trường, chọn nghề không đi cùng với năng lực sở trường.
Quy chế tuyển sinh có những thay đổi hằng năm, chính thầy cô cũng có những nhầm lẫn, huống chi các em học sinh. Vì vậy, mục tiêu thứ hai trong các chương trình tư vấn, ngoài hướng nghiệp là tư vấn tuyển sinh, giúp các em tránh những sai sót, sai lầm đáng tiếc.
Hy vọng năm nay, năm thứ 18, chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" sẽ tiếp tục giữ được sự đón nhận của học sinh. Tất cả đều xuất phát từ nhu cầu rất thật của học sinh, phụ huynh, đặc biệt vùng sâu, vùng xa. Hãy đi để đến và để cảm nhận nhu cầu chính đáng của các em.