Mặc dù là một trong những quốc gia mở cửa du lịch đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á sau 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhưng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 2022 vẫn không đạt kế hoạch đề ra.
Theo nhiều doanh nghiệp lữ hành, đây là hệ quả của nhiều nguyên nhân và Việt Nam cần phải thay đổi trong năm 2023 để có thể đạt được mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế.
Trả lời VTC News, ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Vietfoot Travel, cho rằng có một số nguyên nhân chính khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực.
Đầu tiên là do việc kinh tế toàn cầu đang đi xuống, ảnh hưởng đến Việt Nam. Trong khi đó, giá cả hàng hóa leo thang, tác động trực tiếp đến hầu bao của mỗi người vì thế lượng khách du lịch giảm đi là điều hiển nhiên.
Nguyên nhân thứ hai là vẫn còn nhiều quốc gia trên thế giới chưa kiểm soát hoàn toàn được dịch COVID-19, hạn chế cho người dân đi nước ngoài, tạo tâm lý e dè của nhiều du khách.
Nguyên nhân quan trọng khác là Việt Nam chỉ miễn thị thực cho một số quốc gia và cấp visa trong thời hạn 15 ngày gây cản trở lớn đến việc thu hút du khách quốc tế.
Và cuối cùng, CEO Vietfoot Travel cho rằng công tác truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài vẫn chưa thật sự tốt.
Chung quan điểm, ông Trần Văn Xuân - Giám đốc công ty CP thương mại dịch vụ Travelive Việt Nam - nhận xét, nguyên nhân chính khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 không đạt được như kỳ vọng là yếu tố cấp visa vào Việt Nam rất khó khăn đã cản trở nhu cầu tới Việt Nam của du khách, họ sẽ lựa chọn địa điểm khác thoải mái và cởi mở hơn. Điều đó dẫn đến việc Việt Nam là nước mở sớm nhất nhưng lại đón được ít khách.
Làm gì để đón 8 triệu lượt khách quốc tế năm 2023?
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cho rằng du lịch Việt Nam còn nhiều lợi thế để đón du khách quốc tế và con số 8 triệu khách vào năm 2023 hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, muốn hái được "quả ngọt đó", cần phải sớm khắc phục những hạn chế của năm 2022.
“Doanh nghiệp lữ hành Việt Nam cần phải tích cực tham gia các hội chợ du lịch quốc tế ở các nước tổ chức hội chợ quốc tế lớn như Đức, Anh. Năm vừa qua có rất ít doanh nghiệp đi và Tổng cục Du lịch cũng chưa có chiến dịch đi quảng bá ở quốc tế”, ông Trần Văn Xuân nói.
Còn ông Phạm Duy Nghĩa đánh giá, Việt Nam có lợi thế rất lớn để thu hút khách du lịch quốc tế vào năm 2023 bởi chúng ta có cơ sở vật chất hạ tầng tốt, con người phục vụ nhiệt tình, người làm du lịch cũng hiệu quả, uy tín, chưa kể Việt Nam có quá nhiều cảnh đẹp, di sản thế giới.
Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, để khắc phục tất cả những tồn tại từ năm 2022, cần sự chung tay của các đơn vị, từ hàng không đến các doanh nghiệp du lịch, lưu trú, dịch vụ hỗ trợ... để tạo ra những gói sản phẩm đồng nhất và giá rẻ nhằm kích cầu, thu hút khách quốc tế.
Bên cạnh đó, cần một nguồn ngân sách đủ lớn để đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam một cách mạnh mẽ hơn.
Ông Nghĩa dẫn chứng các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc đều có các đại lý du lịch tại Việt Nam. Họ quảng bá về đất nước họ ngay tại Việt Nam, từ đó có thể thấy người dân từ bình dân đến cao cấp đều biết rõ về hai thị trường du lịch này.
“Chúng ta có thể mời các nhân vật có sức ảnh hướng của quốc tế đến Việt Nam tham quan miễn phí để họ quảng bá cho du lịch Việt Nam. Các doanh nghiệp sẵn sàng đóng góp kinh phí để làm việc này nhưng hiện không có đơn vị nào đứng ra gắn kết các thành phần kinh tế trong nước lại để làm truyền thông”, ông Nghĩa băn khoăn.
Và cuối cùng, yếu tố quan trọng nhất cần tháo gỡ luôn là công tác quản lý chính quyền về cấp visa cho du khách quốc tế. Ông Nghĩa cho rằng cần phải tạo ra sự thông thoáng, tạo điều kiện cho nhiều nước được miễn thị thực để người dân của họ dễ dàng sang du lịch Việt Nam.
“Nếu có Nhà nước chỉ đạo, doanh nghiệp cùng chung tay thì nhất định sẽ thành công, du lịch Việt Nam sẽ tỏa sáng trong năm 2023”, CEO Vietfoot Travel nhấn mạnh.