Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành suốt gần 2 năm qua khiến chuỗi cung ứng thương mại toàn cầu bị đứt gãy, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã nổi lên như một điểm sáng, điểm tựa vững chắc cho hàng hóa của Việt Nam tiếp cận và chinh phục thị trường châu Âu.
Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, 10 tháng năm 2021, Việt Nam xuất siêu sang EU hơn 11 tỷ USD. Rất nhiều mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, nông thủy sản... đã tận dụng ngay được các lợi thế của Hiệp định này.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho hay, nhờ có Hiệp định EVFTA, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đã tăng trưởng theo hướng bền vững hơn, cả về chất và lượng, xuất - nhập khẩu đều đạt kết quả tích cực.
“Ngoài cơ hội về mở rộng, đa dạng hoá thị thị trường, Hiệp định EVFTA cũng đem lại cho Việt Nam cơ hội để cải cách thể chế, minh bạch hoá, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh và chuyển đổi cơ cấu hàng hoá hướng tới xuất khẩu các mặt hàng giá trị gia tăng cao”, ông Thái hài lòng.
Những thành quả thương mại nói trên đang minh chứng rõ nét nhất về tính hiệu quả của việc Viêt Nam tham gia và thực thi các hiệp định thương mại tự do nói chung, hiệp định EVFTA nói riêng. Tuy nhiên, để để quá trình xuất khẩu thực sự thông thoáng và bền vững, hàng hóa của Việt Nam phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy định không mấy dễ dàng. Giới chuyên gia kinh tế nhận định, các doanh nghiệp (DN) Việt cần phải nỗ lực hơn nữa để mới có thể bứt phá trên "con đường cao tốc" này.
Theo bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), với những gì các DN Việt Nam đã trải qua, bộc lộ rõ nhất là việc các DN vẫn đang gặp rất nhiều khúc mắc trong vấn đề về quy trình sản xuất, nguồn gốc xuất xứ và kiểm định chất lượng.
Bà Hiền cho hay, đối với quy chuẩn, yêu cầu về quy tắc, nguồn gốc xuất xứ, nhiều DN xuất khẩu của chúng ta đã vướng phải không ít tình huống éo le, dở khóc dở cười. Cụ thể, trong quá trình xuất khẩu một lô hàng dệt may của các DN Việt sang thị trường châu Âu cùng 1 mặt hàng, cùng nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra, nhưng nếu sản phẩm đó nếu xuất khẩu sang thị trường khối ASEAN yêu cầu đặt ra lại hoàn toàn khác.
Đơn cử như với thị trường Singapore, sản phẩm dệt may sẽ đáp ứng xuất xứ Việt Nam bởi Singapore là một thành viên của ASEAN và trong khuôn khổ ASEAN, sản phẩm thành phẩm chỉ cần là quần áo đã được coi là có xuất xứ Việt Nam, đồng nghĩa là khi sản phẩm xuất khẩu sang thị trường này sẽ được hưởng ưu đãi.
Nhưng cũng cùng loại sản phẩm đó dù đúng quy trình từ đầu vào đến đầu ra, khi xuất khẩu sang thị trường EU lại phải đáp ứng yêu cầu xuất xứ từ vải trở đi, có nghĩa là quy tắc 2 công đoạn, công đoạn dệt vải và cắt may quần áo phải được thực hiện tại các nước thành viên của Hiệp định EVFTA mới được hưởng ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ EVFTA.
Đặc biệt là khi sản phẩm dệt may đó khi xuất sang Canada, quy tắc xuất xứ lại theo khuôn khổ hiệp định CPTPP nghĩa là phải có xuất xứ từ nguyên liệu sợi qua công đoạn se sợi, dệt thành vải và cắt may thành quần áo đều phải thực hiện tại các nước thành viên CPTPP thì mới được hưởng ưu đãi.
“Từ đây mới xảy ra tình huống là sản phẩm may mặc dù cùng của 1 nhà máy xuất khẩu đi, khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu (C/O) trong ASEAN thì các tổ chức của Bộ Công Thương vẫn cấp bình thường, nhưng khi cấp C/O đi EU thì không đáp ứng và lô hàng đó không đạt tiêu chí có xuất xứ Việt Nam”, bà Hiền nêu thực tế và chỉ rõ, dù cùng 1 mặt hàng và do 1 nhà máy sản xuất, nhưng khi xuất đi các thị trường khác nhau thì quy tắc xuất xứ áp dụng là khác nhau.
Chính vì vậy, bà Hiền lưu ý, các DN trước khi xuất khẩu hàng hóa đến thị trường nào đều cần phải tìm hiểu kỹ thông tin về thị trường đó, để có thể làm hồ sơ chứng minh xuất xứ cho phù hợp. Ngoài ra, các DN Việt còn gặp phải những tình huống trớ trêu khi “vấp” phải các quy định về quy tắc xuất xứ hay chỉ dẫn địa lý... Đây đều là những ‘điểm yếu” của các DN Việt lâu nay. Thực tế, quy tắc xuất xứ được đưa ra trong EVFTA tuy không mới nhưng khá phức tạp. Do đó, các DN cần phải hết sức lưu tâm.
Đặc biệt, với chỉ dẫn địa lý - với mục đích nâng cao giá trị nông sản lẫn giá trị pháp lý trong xuất khẩu hiện cũng chưa được nhiều DN quan tâm và đăng ký bảo hộ ở các thị trường nước ngoài. Điều này đã gây ra những thiệt hại nhất định và nguy cơ rủi ro cao, thậm chí gặp những vấn đề về pháp lý khi ra thị trường quốc tế. Trong khi chỉ dẫn địa lý lại là yếu tố về sở hữu trí tuệ mà thị trường EU đặc biệt quan tâm./.
Theo VOV