Ngay từ sáng nay (14/7) nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu triển khai phương án phù hợp với điều kiện thực tế của chính doanh nghiệp mình để có thể tiếp tục sản xuất.
Từ khi biết thông tin UBND TP.HCM yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương đảm bảo phòng dịch Covid-19, chị Lê Diệp Kiều Trang, Chủ tịch Công ty TNHH Arevo, tại Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức, nhanh chóng tìm kiếm trên các trang web và mạng xã hội đơn vị cho thuê xe để đưa đón toàn bộ công nhân viên từ khách sạn đến công ty này trong những ngày sắp tới. Chị Trang cho biết, trong 2 tháng nay, nhiều bạn nhân viên trẻ chọn ở lại sinh hoạt và làm việc ngay trong công ty để không gián đoạn sản xuất.
Tuy nhiên, với tình hình dịch đang phức tạp như hiện nay, chị Trang ủng hộ việc cùng Thành phố mở rộng sắp xếp ăn ở, đưa đón cho toàn bộ công nhân viên.
“Công ty của tôi có 150 cán bộ công nhân viên, nên tôi dự kiến thuê 2 xe để kịp đưa đón nhân viên buổi sáng, một ngày đưa đón 3 ca. Như vậy 2 xe đều phải chia làm 2 chuyến vì mỗi xe chỉ cho chở 50% số lượng ghế ngồi thôi để đảm bảo giãn cách" - chị Lê Diệp Kiều Trang nói.
Còn anh Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Vũ Trụ Xanh tại quận Tân Phú cho biết, do công ty có nhiều bộ phận làm nhiều mảng khác nhau nên sẽ linh hoạt bố trí. Theo đó, nhân viên kỹ thuật và bảo hành được sắp xếp chỗ ở ngay tại công ty, còn bộ phận bán hàng, hành chính sẽ làm việc tại nhà để đảm bảo phòng dịch trong thời gian giãn cách.
“Tôi thấy rất là đúng đắn, như vậy sẽ hạn chế tối đa việc công nhân viên tiếp xúc trên đường đi làm. Bên tôi nhân viên nào đồng ý ở lại, công ty sẽ sắp xếp chỗ ở miễn phí ngay tại chỗ. Khoảng vài chục người ở lại, còn lại nhân viên mảng thương mại chủ yếu sẽ làm online tại nhà” - anh Hoàng Tuấn Anh nói.
Thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ nguồn tài chính dự phòng để sắp xếp ăn ở cho toàn bộ số lượng công nhân của mình, đặc biệt khi doanh nghiệp có số lượng công nhân từ hàng ngàn người trở lên. Một số chuyên gia kinh tế khuyến cáo, ngay trong lúc này doanh nghiệp cần xác định mục tiêu sản xuất trong ngắn hạn và dài hạn để sắp xếp số lượng công nhân ở lại hợp lý.
Cụ thể là hoạch định lại khâu nào là ưu tiên sản xuất, đơn hàng nào là khẩn cấp cần làm ngay thì làm, đồng thời cân đối tài chính khi chọn thực hiện 1 trong 2 yêu cầu đảm bảo phòng dịch của TP.HCM. Để giảm gánh nặng chi phí, khi cần thiết, doanh nghiệp có thể vận động nguồn lực xã hội như kêu gọi thực phẩm hỗ trợ cho công nhân tại những điểm khách sạn, ký túc xá hay trước các khu công nghiệp trong thời gian công nhân tập trung tại một địa điểm.
Ông Hồ Minh Chính, Giám đốc Công ty TNHH Huấn luyện và Tư vấn Tài năng Việt cho biết, doanh nghiệp nên chủ động hơn, không chờ hết thời gian giãn cách mà từ bây giờ cần lên các kế hoạch phù hợp để vừa phòng dịch vừa sản xuất an toàn.
“Giảm bớt mật độ công nhân làm cùng lúc trong nhà máy, giãn ca công nhân xuống còn 50%. Chia số lượng mỗi 50% công nhân làm việc trong vòng 15 ngày và sau đó đổi ca, khi công nhân quay lại nhà máy cho xét nghiệm nhanh trước khi vào làm” - ông Hồ Minh Chính nói.
Trăn trở chung của các doanh nghiệp lúc này là cân đối được tài chính để đảm bảo sản xuất và phòng dịch theo tình hình thực tế. Bên cạnh đó, TP.HCM cùng doanh nghiệp chăm lo cho đời sống công nhân viên trong thời gian này cũng góp phần giúp doanh nghiệp an tâm cho các kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Về lâu dài, nhiều doanh nghiệp kiến nghị TP.HCM cần có những chính sách hỗ trợ để giảm gánh nặng chi phí như giảm và giãn thuế cho doanh nghiệp trong thời gian giãn cách xã hội./.