Đại dịch Covid-19 đã tác động sâu rộng tới toàn bộ nền kinh tế, trong đó thị trường bất động sản (BĐS) cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Tại TP HCM, các doanh nghiệp BĐS đang tìm cách phục hồi sau dịch bệnh. Ngoài sự cố gắng của doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước cũng tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý của các dự án BĐS bị tạm dừng trước đây.
Doanh nghiệp đổi chiến lược
Theo báo cáo về nhà ở và thị trường BĐS Quý I/2020 của Bộ Xây dựng, lượng sản phẩm giao dịch thành công chỉ đạt khoảng 14% so với tổng lượng sản phẩm hiện có trên thị trường, thấp nhất trong vòng 4 năm qua và chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2019.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khoảng 80% sàn giao dịch BĐS trên cả nước đóng cửa hoặc tạm ngưng hoạt động, không phát sinh giao dịch. Tại TP HCM, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, trong Quý I/2020, thị trường BĐS trầm lắng, giao dịch mua bán nhà sụt khoảng 70%, doanh thu sụt giảm trên dưới 80%.
Sau dịch Covid-19, doanh nghiệp BĐS tại TP HCM thay đổi chiến lược để phục hồi.
Bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land cho rằng, dịch Covid-19 nằm ngoài kịch bản phát triển, do đó doanh nghiệp này lựa chọn phát triển phân khúc nhà ở cho đối tượng có nhu cầu ở thật. Đồng thời phải điều chỉnh về chiến lược kinh doanh để thu hút sự quan tâm của khách hàng có nhu cầu an cư hoặc đầu tư.
"Sau đại dịch, doanh nghiệp áp dụng chính sách thanh toán hấp dẫn. Khách hàng chỉ cần thanh toán trước 30%, sau khi nhận nhà, 24 tháng sau thanh toán phần còn lại. Đây là giải pháp về mặt tài chính rất tốt nên đã ghi nhận có sự gia tăng về giao dịch ở thời điểm cuối tháng 4, đầu tháng 5 vừa qua", bà Hương cho biết.
Ông Bùi Ngọc Đức, Giám đốc điều hành Tập đoàn Đất Xanh cho biết, thay vì tổ chức bán hàng qua các hội nghị lớn, tập trung đông người… hiện nay doanh nghiệp đang chú trọng phát triển bán hàng thông qua nền tảng công nghệ. Khách hàng và nhân viên kinh doanh sẽ tương tác nhiều hơn qua các giải pháp phần mềm.
"Nền tảng công nghệ đã phần nào giải quyết được tất cả mong muốn của doanh nghiệp cũng như tận dụng các cơ hội để khai thác khách hàng tiềm năng. Đồng thời công nghệ tạo ra được công cụ, phương tiện nhanh hơn, tiện hơn, tạo điều kiện cho khách hàng tương tác với doanh nghiệp một cách thuận tiện và dễ dàng hơn", ông Đức cho hay.
Cần tạo điều kiện về cơ chế, chính sách
Trong bối cảnh chung của thị trường BĐS hiện nay, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, tự thân mỗi doanh nghiệp cần vươn lên vượt qua khó khăn. Thị trường BĐS ở giai đoạn trầm lắng như hiện nay chính là cơ hội để doanh nghiệp BĐS tái cấu trúc theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Đồng thời tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực, chú trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người dân.
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp BĐS phục hồi sau dịch Covid-19, ông Châu kiến nghị cơ quan bảo hiểm cho phép các doanh nghiệp được giãn tiến độ nộp Bảo hiểm xã hội từ tháng 3 đến tháng 6/2020. Bên cạnh đó kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho giãn tiến độ trả lãi ngân hàng với khoản nợ phát sinh trong 3 tháng như trên. Ngoài ra, Hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương giải quyết nhanh quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp.
"Ở TP HCM có 126 dự án BĐS bị ách tắc do quy trình, thủ tục, nên phải tạm dừng để giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ khó khăn đối với các phần đất do Nhà nước quản lý, nằm xen cài trong dự án của doanh nghiệp", ông Châu kiến nghị.
Về phía cơ quan quản lý, ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM nhận định: Ngoài sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, một trong những nguyên nhân gây nên sự sụt giảm số lượng sản phẩm BĐS trên địa bàn thành phố là do doanh nghiệp gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý.
Theo ông Kiên, các bước thực hiện trình tự thủ tục là sự phối hợp giữa các quy định, chịu sự điều chỉnh của nhiều luật (đầu tư, nhà ở, quy hoạch, đất đai, kinh doanh BĐS). Tuy nhiên, sự chưa đồng bộ, thống nhất giữa các luật dẫn tới vướng mắc của doanh nghiệp.
"Các quy định của pháp luật ở thời điểm hiện tại có xảy ra chồng chéo, dẫn tới việc có thể thực hiện bước này trước, bước này sau. Cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình thực thi, xem xét thủ tục hành chính cũng nhận thấy có vướng mắc. Hiện tại không phải vướng về mặt thời gian mà vướng về việc xác định đi bước nào trước, bước nào sau", ông Kiên chỉ rõ.
Các Sở, ngành chuyên môn tại TP HCM đang từng bước tháo gỡ vướng mắc về pháp lý dự án cho doanh nghiệp BĐS.
Mới đây, UBND TP HCM đã chỉ đạo cho các sở, ngành chuyên môn tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp BĐS, tập trung chủ yếu vào quy trình thực hiện dự án, chuyển mục đích sử dụng đất và đầu tư xây dựng.
Trong đó, các sở ngành đã kiến nghị UBND TP HCM cho phép chủ đầu tư được thực hiện các thủ tục về công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư, thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật và cấp phép xây dựng, song song với thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này giúp doanh nghiệp giảm thời gian chờ đợi thực hiện thủ tục dự án.
Hiện tại, TP HCM đã tháo gỡ được 30 dự án gặp vướng mắc, góp phần đẩy nhanh tiến độ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp BĐS tái khởi động sau dịch Covid-19, đẩy nhanh giải quyết thủ tục hành chính có liên quan.
Về phía doanh nghiệp, khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng được xem là đợt "thanh lọc" thị trường. Những doanh nghiệp làm ăn chân chính, uy tín và nhạy bén thích nghi để tồn tại sẽ tiếp tục phát triển. Các doanh nghiệp BĐS cần tự mình củng cố lại năng lực chuyên môn; quan tâm đầu tư chiến lược kinh doanh theo đúng quy định pháp luật./.
Theo Duy Phương (vov.vn)