Chưa thể hưởng lợi
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2020, trong khi các ngành hàng như tôm, nông sản đã bước đầu “hưởng lợi” từ EVFTA với những đơn hàng lớn, giá trị cao tấp nập đi EU thì tới nay ngành dệt may vẫn chưa có con số cụ thể nào về những lợi ích của ngành này.
Chia sẻ với báo giới gần đây, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam thừa nhận, năm 2020 là một năm cực kỳ khó khăn với ngành dệt may Việt Nam. Cụ thể, mục tiêu xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2020 là 40 tỷ USD, tuy nhiên do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều thị trường nhập khẩu truyền thống của ngành giảm sâu, có mặt hàng giảm đến 80-90%, vì vậy kim ngạch xuất khẩu dự kiến sẽ bỏ xa kết quả thực hiện 39 tỷ USD của năm 2019.
Chưa hết, tại thị trường EU, do đến nay vẫn là tâm dịch của thế giới với số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục gia tăng nên nhu cầu nhập khẩu với mặt hàng dệt may chưa thể quay lại như mức trước dịch. Điều này dẫn tới việc trong ngắn hạn các doanh nghiệp dệt may chưa có khả năng hưởng lợi ưu đãi thuế từ EVFTA.
Từ đó, các chuyên gia phân tích của Công ty CP Chứng khoán SSI dự báo, sớm nhất phải từ tháng 8/2021 các doanh nghiệp dệt may mới có khả năng được hưởng ưu đãi thuế.
Lý giải cụ thể, SSI chỉ ra rằng: Việc thiếu hụt nguyên liệu vải trong nước vẫn là nút thắt của ngành khiến các doanh nghiệp không thể đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ của EVFTA. Trong khi đó, giá thành vải nhập khẩu từ Trung Quốc hiện thấp hơn giá thành vải sản xuất tại Việt Nam đến 30%, thời gian giao hàng nhanh hơn do luôn có sẵn tồn kho nhờ quy mô sản xuất lớn, khiến vải sản xuất trong nước khó có thể cạnh tranh.
Thêm vào đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn tiếp tục gây sức ép lên nhu cầu đối với hàng may mặc trên thế giới nói chung và thị trường EU nói riêng.
Ngành dệt may vẫn chưa thể hưởng lợi từ EVFTA. Ảnh: Trần Hùng |
Thừa nhận thực tế này, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tiêu chí xuất xứ “từ vải trở đi” trong EVFTA vẫn là thách thức đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Do ngành dệt may hiện nay vẫn đang phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, mà lại nhập khẩu từ những nước ngoài EU như Trung Quốc hay Đài Loan. Hơn nữa, tiêu chí xuất xứ của dệt may trong EVFTA được quy định rất cụ thể, đến từng công đoạn, đòi hỏi doanh nghiệp phải hiểu thật rõ và đúng các tiêu chí để có thể áp dụng được.
Tính tới hiện tại, theo đánh giá của các công ty chứng khoán, chỉ có một số doanh nghiệp như May Thành Công (TCM), công ty cổ phần đầu tư và thương mại TNG, May Sông Hồng (MSH), Sợi Thế Kỷ… là có khả năng được hưởng lợi EVFTA.
Trong đó, TCM sẽ được hưởng lợi đối với việc bán vải trong nước, do nhu cầu vải trong nước từ các đơn vị may gia công sẽ tăng nhằm đáp ứng tiêu chuẩn EVFTA; Còn TNG có tỷ trọng xuất khẩu sang EU khá lớn và đang đầu tư vào cụm công nghiệp Sơn Cẩm tại Thái Nguyên, trong đó có cả khâu dệt nhuộm để đón sóng EVFTA; Với MSH cũng có tỷ trọng xuất khẩu sang EU khá cao và doanh nghiệp này hiện cân nhắc tới việc liên doanh với doanh nghiệp FDI để đầu tư vào khâu dệt-nhuộm…
Cách nào giúp dệt may bứt phá?
Để được hưởng ưu đãi thuế theo EVFTA, SSI cho rằng các doanh nghiệp dệt may cần sử dụng vải sản xuất trong nước hoặc vải nhập khẩu có xuất xứ từ Hàn Quốc. Hiện tại các sản phẩm dệt may, da giày của Việt Nam vẫn đang phụ thuộc khoảng 60-70% vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Vải nhập từ Hàn Quốc hiện chỉ chiếm 15% tổng nhu cầu vải.
“Hiện tại, vải Trung Quốc có giá rẻ hơn từ 10-40% so với vải sản xuất trong nước tùy chủng loại, do đó mức ưu đãi thuế 12% (mức thuế MFN 12% sẽ được áp dụng sau 2 năm nữa trong trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng được chuẩn của EVFTA) là chưa đủ hấp dẫn để doanh nghiệp chuyển sang sử dụng vải nội địa. Do đó, để tận dụng được ưu đãi thuế, Việt Nam cần phát triển ngành công nghiệp dệt - nhuộm nhằm gia tăng tỷ trọng vải sản xuất nội địa, và phải đảm bảo đủ quy mô để cạnh tranh được về giá thành so với vải Trung Quốc”, các chuyên gia của SSI khuyến nghị.
tiêu chí xuất xứ “từ vải trở đi” trong EVFTA vẫn là thách thức đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Ảnh: Trần Hùng |
Theo Bộ Công Thương, điểm tựa lớn để giải bài toán thiếu hụt vải và hưởng ưu đãi là được sử dụng vải nhập khẩu tại Hàn Quốc (quốc gia đã có FTA với EU) để cắt may tại Việt Nam. Đây có thể xem là một quy tắc xuất xứ linh hoạt cho mặt hàng dệt may khi EU cho phép Việt Nam sử dụng vải của Hàn Quốc (là nước đã ký FTA với EU) để sản xuất sản phẩm may mặc xuất khẩu sang EU.
“Để thực hiện nguyên tắc cộng gộp này, Việt Nam và Hàn Quốc cần thống nhất một số nội dung kỹ thuật và cơ chế kiểm tra xác minh xuất xứ của vải nguyên liệu. Sau khi thống nhất với EU và Hàn Quốc, Bộ Công Thương sẽ ban hành hướng dẫn áp dụng nguyên tắc cộng gộp này. Hiện nay Bộ Công Thương đang tích cực đàm phán với phía Hàn Quốc để có thể áp dụng nguyên tắc cộng gộp này trong thời gian sớm nhất”, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết.
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu dệt may sang thị trường EU chỉ chiếm khoảng 13,2% trong tổng kim ngạch toàn ngành; trong đó, giai đoạn 2015-2019 tăng trưởng xuất khẩu qua EU chậm ở và chỉ ở mức 5,7% - thấp hơn so với mức tăng trưởng xuất khẩu dệt may nói chung là 9,5% trong cùng giai đoạn. Tuy Việt Nam có gia tăng được thị phần tại EU (từ 1,64% năm 2014 lên 2,36% năm 2019), song vẫn ở mức khá khiêm tốn, thấp hơn so với Trung Quốc (20%), Bangladesh (9,6%), Ấn Độ (3,9%) và Pakistan (2,8%).
Theo Trần Hùng (TGTT)