Rất nhiều đề nghị được đưa ra, tuy nhiên các chuyên gia đều nhấn mạnh, dù chuyển sang bất kỳ chương trình hỗ trợ nào thì bài toán lớn nhất vẫn là một cơ chế tốt, thông thoáng, điều kiện thủ tục thuận lợi để doanh nghiệp có thể tiếp cận một cách nhanh nhất.
Liên quan gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp với quy mô 40.000 tỉ thuộc Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến cuối tháng 2.2023, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng đạt gần 256 tỉ đồng cho 1.784 khách hàng.
Dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình đến hết năm 2023 (hết thời hạn chương trình) đạt khoảng 2.570 tỉ đồng. Như vậy, chính sách nhân văn này chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết: "Bản thân doanh nghiệp hiện nay nhận thấy họ cần nhiều nhu cầu về vốn hơn là yếu tố lãi suất, bản thân doanh nghiệp cũng mong muốn những chính sách hỗ trợ trực tiếp hơn hỗ trợ lãi suất, ví dụ như miễn giảm thuế sẽ phù hợp hơn trong điều kiện hiện nay.
Chúng tôi cũng nhận thấy có 2 khó khăn vướng mắc trong việc hỗ trợ lãi suất là tâm lý e ngại của bản thân khách hàng, khó khăn thứ 2 thì theo quy định tại nghị quyết của Quốc hội cũng như nghị định của Chính phủ thì khách hàng phải có khả năng trả nợ và khả năng phục hồi, khách hàng không thể khẳng định không thể có khả năng phục hồi".
Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản gửi Bộ KH-ĐT cung cấp thông tin về kết quả hỗ trợ lãi suất và dự kiến khả năng hấp thụ chính sách để Bộ KH-ĐT có thông tin làm cơ sở xây dựng phương án đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh nhiệm vụ chi hỗ trợ lãi suất không sử dụng hết sang hình thức, chính sách hỗ trợ khác có khả năng triển khai, còn dư địa thực hiện theo quy định.
Cũng liên quan tới gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỉ đồng này, khảo sát doanh nghiệp năm 2022 của Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam cho biết, 29,5% số doanh nghiệp được khảo sát có biết tới gói hỗ trợ này song chỉ khoảng 2% doanh nghiệp cho biết đã nhận được khoản vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất 2%. Có tới 56,7% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Ông Nguyễn Xuân Thống, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho rằng, việc cần có tài sản đảm bảo cho khoản vay cũng là một khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp vay vốn.
Theo ông Thống: "Thay vì tài sản đảm bảo có thể dùng các hợp đồng đặt hàng của các công ty, tức là nghiêng về tín chấp nhiều hơn, như vậy có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ hơn".
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, điều kiện cho vay là một trong những rào cản chính của việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%, đặc biệt là tiêu chí “có khả năng phục hồi”. Nhiều doanh nghiệp phản ánh, dù họ có khả năng trả nợ nhưng cũng không chắc chắn mình đáp ứng tiêu chí này hay không.
Trước đề xuất điều chuyển gói hỗ trợ lãi suất 2% của NHNN, các chuyên gia kinh tế đều nhận định đây là hướng đi đúng đắn, cần thực hiện càng sớm càng tốt, vì thời hạn của gói hỗ trợ này chỉ đến hết năm 2023. Nếu để gói ưu đãi chậm giải ngân sẽ làm giảm hiệu quả các gói chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước nêu ý kiến: "Các doanh nghiệp Việt rất khó khăn đáp ứng điều kiện để tiếp cận vốn. Tất cả tài sản, nhất là bất động sản đều đi xuống, như vậy đánh giá lại tài sản bảo đảm tụt thì dư nợ sẽ phải giảm.
Vì vậy, trong gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất thì nên chuyển thành 2 quỹ, một là quỹ bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, xem xét bảo lãnh tín chấp, còn các nghị định và thông tư hiện tại vẫn đòi hỏi bảo lãnh có tài sản thế chấp thì đi vay ngân hàng còn hơn cộng thêm 2% phí bảo lãnh".
Đồng quan điểm, ông Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư nhận định: "Trong bối cảnh hiện nay việc hỗ trợ lãi suất 2% có tác dụng thế nào, tác dụng đến đâu, nếu mà chúng ta thấy không tác dụng có thể chuyển hướng sang mục đích khác vì hiện nay lãi suất huy động, lãi suất cho vay đã cao rồi".
Dù từ phía các NHTM đã rất nỗ lực, tích cực nhưng triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% đang không hiệu quả và chưa đạt được mục tiêu đề ra là hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hồi phục, khôi phục sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp không mặn mà tiếp cận vì gặp nhiều rào cản, vướng mắc, lo ngại khâu hậu kiểm.
Chính vì vậy, cần chuyển đổi gói hỗ trợ, để nguồn lực này cho một chương trình khác, vẫn mang tính chất hỗ trợ doanh nghiệp. Đơn cử như miễn giảm thuế, phí cho doanh nghiệp hay dành nguồn lực cho thúc đẩy đầu tư công.
Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, nếu chưa thể điều chuyển gói lãi suất 2% ngay thì cần tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn kịp thời để dòng tín dụng được khơi thông.
"Chúng ta phải có chính sách tháo gỡ những khó khăn này như khó khăn giữa ngân hàng, doanh nghiệp và ngân hàng phải ngồi lại với nhau tháo gỡ những rào cản là những chi phí tuân thủ các quy định pháp luật, bản thân các quy định trong hệ thống ngân hàng để giúp cho doanh nghiệp có thể tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất 2%" - ông Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia cũng kiến nghị NHNN có thể đề xuất hỗ trợ đối tượng vay vốn phục vụ sản xuất theo chương trình giải quyết việc làm tại Nghị định 61/2015. Thực tế, đây là chương trình đang được triển khai rất hiệu quả, vốn sử dụng rất thiết thực mà lại thiếu nguồn. Hiện mỗi hộ chỉ được vay tối đa 100 triệu đồng qua Ngân hàng Chính sách xã hội.
Vì vậy, có thể linh hoạt điều chỉnh đối tượng thụ hưởng chính sách. Hoặc cũng có thể nghiên cứu chuyển nguồn lực của gói hỗ trợ lãi suất 2% sang hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Bởi theo số liệu công bố mới đây, để đảm bảo mục tiêu phát triển nhà ở xã hội đến năm 2030, cần khoảng 849.500 tỷ đồng chủ yếu bằng nguồn vốn xã hội hóa để hoàn thành mục tiêu đề ra đến năm 2030 là hoàn thành 1.062.200 căn hộ nhà ở xã hội, nhà công nhân. Do vậy, cần tập trung và ưu tiên tín dụng để cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đảm bảo công tác an sinh, xã hội./.