Từ 0h00 ngày 9/7, TP.HCM sẽ thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Trước đó, 3 chợ đầu mối tại thành phố phải tạm đóng cửa, nhiều chợ truyền thống, siêu thị cũng phải dừng hoạt động do liên quan đến các ca mắc COVID-19. Để đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa cho người dân, ngành chức năng đang nỗ lực điều tiết hàng hóa, cung ứng đủ nguồn hàng thiết yếu người dân tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, Bộ Trưởng Bộ Công Thương đã yêu cầu thành lập ngay Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Bộ Công Thương vừa có văn bản hỏa tốc gửi UBND TP.HCM và các tỉnh phía Nam về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu để ứng phó với dịch Covid-19. Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu tạo luồng “ưu tiên đặc biệt” cho các phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu phục vụ Chương trình Bình ổn thị trường cung ứng cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam có dịch bệnh đang phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội.
Ghi nhận tại các hệ thống phân phối lớn, việc chuẩn bị nguồn hàng dự trữ vẫn được duy trì với lượng hàng hóa tăng mạnh. Các hệ thống như chuỗi siêu thị Co.op Mart, Co.op Food, Co.op Extra, VinMart, Hapro Mart, hệ thống đại siêu thị GO!, Big C, siêu thị Topsmarket… nguồn hàng dự trữ vẫn được duy trì trong giai đoạn chống dịch với lượng hàng hóa tăng từ 150-500% so với bình thường, hàng hóa đa dạng, giá cả ổn định, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tăng của người dân. Saigon Co.op đã triển khai hình thức mua sắm an toàn mới tại một số địa điểm. Khách hàng chỉ lên danh sách, ngồi yên một chỗ đợi, nhân viên siêu thị sẽ "đi chợ hộ". Khách hàng có thể thanh toán nhận hàng ngay tại chỗ hoặc giao hàng sau. Phương thức mua hàng mới này được Saigon Co.op kỳ vọng giúp hạn chế gần như tuyệt đối việc tụ tập đông người tại các quầy thu ngân.
Trong khi đó, hệ thống đại siêu thị GO!, Big C, siêu thị Topsmarket (thuộc tập đoàn Central Retail), đã tăng cường nguồn cung hàng hóa, đa dạng các kênh bán hàng, kéo dài thời gian mở cửa.
“Hệ thống đại siêu thị GO!, Big C, siêu thị Topsmarket (thuộc tập đoàn Central Retail) tại TP.HCM đã thay đổi thời gian hoạt động từ 8h đến 23h và tăng trữ lượng hàng hóa lên gấp nhiều lần, đảm bảo nguồn cung lương thực và ổn định giá cả để phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao tại TP.HCM trong thời gian giãn cách xã hội. Big C khẳng định đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hóa trong suốt thời gian giãn cách, không bao giờ thiếu lương thực, thực phẩm. Chúng tôi cũng đang triển khai thêm nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn để hỗ trợ khách hàng vượt qua mùa dịch. Vì vậy, người dân không cần mua sắm dồn dập tụ tập đông người”, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail cho biết.
Trước diễn biến của dịch bệnh, để bảo đảm mục tiêu kép vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, nhằm hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam đảm bảo đủ, kịp thời hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng các phương án ứng phó để sẵn sàng cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường. Trong đó, đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã phân phối chủ động liên hệ với Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam để xây dựng kế hoạch, kịch bản, phương án vận chuyển, lưu thông, phân phối hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Bộ Công Thương cũng đề nghị các doanh nghiệp đảm bảo vận chuyển thông suốt hàng hóa thiết yếu, tiếp tục tăng cường thực hiện các phương thức bán hàng trực tuyến để phục vụ tối đa nhu cầu người dân.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đánh giá, TP.HCM cũng đã chủ động và tích cực đưa ra các phương án, kịch bản ứng phó với diễn biến của dịch bệnh.
“Bộ Công Thương đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo, phải chuẩn bị tốt kịch bản để ứng phó với mọi tình huống, cấp độ dịch bệnh, vì vậy, nguồn cung hàng hóa luôn luôn được đảm bảo đẩy đủ. Trong tình huống hiện nay, một số tỉnh, thành phố đang gặp khó khăn như TP.HCM, các địa phương đều đã ban hành kế hoạch bình ổn thị trường và kế hoạch ứng phó với dịch bệnh Covid 19, có những cấp độ dịch bệnh thì lượng hàng dự trữ lên gấp 3 lần so với bình thường. Các địa phương cũng đã tổ chức điểm bán dự phòng cũng như điểm bán cố định để trong mọi tình huống không được để đứt gãy nguồn cung...”, bà Lê Việt Nga cho biết.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng tính chung 6 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. PGS TS Phạm Tất Thắng, chuyên gia thương mại cho rằng, hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ chỉ là cục bộ. Về cơ bản, tâm lý người dân trong mua sắm hàng hóa tương đối bình tĩnh.
“Khi nghe tin TP.HCM giãn cách toàn thành phố thì có một số người có vẻ lo lắng thái quá nhưng mà ngay lập tức các cơ quan chức năng như Sở Công Thương, lãnh đạo trung tâm phân phối hàng hóa lập tức lên tiếng, nói rằng, mặc dù giãn cách như vậy nhưng hoạt động cung cấp hàng hóa cho thị trường vẫn tiến hành một cách bình thường và điều đó làm cho người dân an lòng, người tiêu dùng sẽ bình tâm trở lại...”, PGS TS Phạm Tất Thắng nói.
Mới đây, Sở Công Thương TP.HCM đã công bố danh sách điểm bán các mặt hàng thiết yếu của hệ thống phân phối trên địa bàn TP.HCM để người dân yên tâm mua sắm. Danh sách điểm bán các mặt hàng thiết yếu này sẽ được đưa về các quận, huyện để người dân có thể tiếp cận và chủ động mua sắm theo nhu cầu./.