“Trước biến động của của kinh tế thế giới, để tiếp tục phát triển, yêu cầu đặt ra cho các doanh nghiệp cần đa dạng hoá thị trường để vượt khó khăn”. Đây là thông tin được đưa ra tại Tọa đàm “Đầu tư và thương mại quốc tế trong thế giới đầy biến động: Doanh nghiệp cần làm gì?” do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức chiều nay (8/5) tại Hà Nội.
Tại tọa đàm, nhiều DN cho biết, hiện đang có nhiều thách thức như nhu cầu đang giảm nhanh, khó đoán định đầu ra, số lượng, cùng đó là tình hình lạm phát toàn cầu dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao… Việc huy động vốn của DN đang gặp khó, từ tín dụng đến trái phiếu DN… sẽ là những tác động không nhỏ đến kinh tế đất nước và cộng đồng DN.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam nêu thực tế, ngành dệt may đang đứng trước thách thức đó là lượng hàng hoá tồn kho lớn, sức mua giảm… Do đó, để đối phó với tình hình này, các DN dệt may đã phải chuyển hướng, không thể phụ thuộc vào các thị trường truyền thống, cần phải đa dạng hoá thêm các thị trường mới.
“DN dệt may đang phải tìm ra những phân khúc thị trường riêng, đặc biệt là thị trường của các nước khu vực các nước Mỹ Latinh và châu Phi, đã có sự tăng trưởng rất nhanh đó thị trường Trung Đông. Yêu cầu đặt ra cho DN lúc này là việc đa dạng hóa thị trường là mục tiêu mà DN phải tính đến và phải đi”, ông Giang nêu thực tế.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong bối cảnh thị trường khó khăn, các đối tác quốc tế luôn gây áp lực, không còn đàm phán bình đẳng. Cùng đó, các thị trường thường dựng lên các hàng rào kỹ thuật một cách bất ngờ, ngay khi thấy lượng hàng xuất khẩu của nước ta tăng đột biến… Với những khó khăn này, các DN mong muốn cần được hỗ trợ các vấn đề về tư vấn pháp lý, tăng cường kỹ năng phòng ngừa và giải quyết tranh chấp có hiệu quả.
Trước bối cảnh nhiều biến động và tiềm ẩn nguy cơ thách thức của kinh tế thế giới nói chung, việc các DN cần tìm hiểu rõ các thuận lợi, khó khăn để có kế hoạch, chiến lược cụ thể là cần thiết. Đầu tư có trách nhiệm với xã hội trên nguyên tắc hỗ trợ giữa các bên liên quan, bình đẳng và cùng chia sẻ lợi ích.
Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nêu ý kiến, bên cạnh việc tìm ra các giải pháp vượt qua các thách thức hiện nay về vốn, tài chính, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, cần chuyên sâu và nâng chất lượng sản phẩm… Để hợp tác được với nước ngoài; cần chuẩn bị sẵn các dự án cụ thể, để mời gọi hợp tác đầu tư. Nếu chưa có các dự án cụ thể, cần nâng cấp các sản phẩm hiện có của mình để có thể cung cấp tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu của các doanh nghiệp có vốn FDI./.