Theo CTCP Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco), trong quý II/2022, dịch bệnh đã được kiểm soát, Habeco chủ động nắm bắt cơ hội, thực hiện các chính sách bán hàng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm giai đoạn cao điểm hè. Tổng doanh thu và tổng lợi nhuận ghi nhận mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021.
Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm của Habeco ghi nhận doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 3.487 tỷ đồng, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận kế toán trước thuế Habeco đạt 286 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi Habeco mới chỉ khởi sắc trong quý II thì Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã tăng trưởng ngay từ quý I.
Theo giải trình từ phía công ty, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thế được cải thiện do tác động mạnh mẽ từ việc mở cửa trở lại của thị trường cùng với các chương trình khuyến mãi tập trung cho cao điểm Tết Nguyên đán sắp tới. Bên cạnh đó, Sabeco cũng soát tốt chi phí bán hàng và chi phí quản lý.
Báo cáo tài chính quý I/2022 của Sabeco cho thấy, doanh thu thuần đạt 7.306 tỷ đồng tăng 24,7% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán tăng ít hơn mức tăng của doanh thu nên lãi gộp đạt 2.177 tỷ đồng, tăng 27% so với quý I năm ngoái. Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm ghi nhận doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 16.314 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận kế toán trước thuế của Sabeco là 3.736 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2021.
Lợi nhuận kế toán sau thuế thuế thu nhập doanh nghiệp là 3.029 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 2.838 tỷ đồng, tăng 47% so với 6 tháng đầu năm 2021.
Cuộc đua thị phần
Qua nhiều năm, thị trường bia được thống trị bởi nhóm 4 hãng lớn, đó là Heineken, Sabeco, Carlsberg và Habeco. Bốn hãng này chiếm tới 94,4% thị phần ngành bia Việt Nam năm 2021, trong đó riêng Heineken và Sabeco có tổng thị phần là 78,3%, áp đảo hai hãng còn lại.
Theo số liệu của Bloomberg, biên lợi nhuận sau thế của Sabeco là 13,49%, cao hơn Habeco (4,1%). Thêm vào đó, Sabeco có tỷ lệ Capex/doanh thu thấp hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp ngành bia, chỉ ở mức 1,25% so với trung bình ngành là 3,54%.
Tại Habeco, Bộ Công Thương đang nắm giữ tỷ lệ sở hữu khoảng 81%, Hãng bia Carlsberg Breweries chiếm hơn 17,5% và nhiều lần bày tỏ muốn tăng tỷ lệ này nếu Nhà nước tiếp tục thoái vốn tại Bia Hà Nội. Trong một thông báo hồi tháng 7, lãnh đạo Bộ Công Thương đã yêu cầu Cục Công nghiệp đẩy nhanh tiến độ đàm phán với Carlsberg, khẩn trương báo cáo Thủ tướng về phương án thoái vốn nhà nước tại Habeco.
Hiện, Habeco có 26 công ty thành viên, trong đó 16 công ty chiếm tỷ lệ sở hữu trên 50% vốn điều lệ, 6 công ty có tỷ lệ sở hữu từ 20% đến dưới 50% vốn điều lệ và 4 công ty có tỷ lệ sở hữu dưới 20% vốn điều lệ.
Về thị phần, Habeco mới chỉ tập trung ở phía Bắc, chính vì thế doanh thu không đạt như kỳ vọng. Sau năm 2015, kết quả kinh doanh của DN liên tục đi xuống. Doanh thu từ hoạt động kinh doanh của Habeco đạt đỉnh vào năm 2016 ở mức 10.032 tỷ đồng trước khi giảm dần xuống mức 9.405 tỷ đồng vào năm 2019.
Trong giai đoạn 2020-2021 con số này tiếp tục sụt giảm, còn lần lượt 7.514 tỷ đồng và 7.053 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm mạnh, từ 1.194 tỷ vào năm 2016 xuống còn 385 tỷ vào năm 2021.
Theo Habeco, việc truy thu thuế và hoàn nhập quỹ đầu tư phát triển để chia cổ tức phải thực hiện giai đoạn 2016-2019 đã ảnh hưởng đáng kể đến nguồn lực tài chính của DN giai đoạn 2020-2021. Trong khi Sabeco không phải chịu những khoản thu này nên vẫn bảo toàn được nguồn lực để cạnh tranh với Habeco tại thị trường miền Bắc.
Để đảm bảo mục tiêu lợi nhuận, Habeco đã triển khai nhiều giải pháp để cắt giảm chi phí, duy trì ở mức tối thiểu các chính sách bán hàng, từ đó giảm đáng kể sức cạnh tranh với những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu kinh doanh.
Tại Sabeco, Công ty TNHH Vietnam Beverage của tỷ phú Thái Lan đang giữ 53% tỷ lệ sở hữu, Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước chiếm 36%, Heineken Asia Pacific Pte. Ltd. chiếm 0,39%. Với 26 nhà máy, 10 công ty con tại các khu vực, sự hậu thuẫn của Thai Beverage đã giúp Sabeco những năm qua giữ được thị phần.
Doanh thu từ hoạt động kinh doanh của Sabeco tăng đều trong giai đoạn 2016-2019, từ mức 30.569 tỷ đồng lên đến 37.899 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần cũng tăng trong giai đoạn trên, từ 5.692 tỷ lên đến 6.675 tỷ trước khi giảm trong giai đoạn 2020-2021.
Kinh doanh có lời nên việc chia lợi nhuận cổ tức của Sabeco cũng mạnh tay hơn Habeco. Tại nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, Sabeco đã thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2021 là 2.244 tỷ đồng, tỷ lệ chia cổ tức 35%.
Trong khi đó, Habeco vừa trình phương án chia cổ tức năm 2021 là 278 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại chưa phân phối khoảng trên 7,2 tỷ đồng, phần lợi nhuận này sẽ được Habeco cộng dồn thực hiện chi trả cổ tức vào năm sau.
Cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt khi thị phần của ông chủ “Bia Hà Nội” còn bị đe dọa bởi Sabeco đang lấn sân ra phía Bắc. Theo thông tin từ doanh nghiệp, Sabeco đã cải thiện được thị phần từ quý III/2021 nhờ mạng lưới phân phối trải rộng ở cả các khu vực không bị ảnh hưởng quá nặng nề do dịch Covid-19 như khu vực nông thôn miền Bắc.
Thay vì cố gắng cạnh tranh ở phân khúc cao cấp, Sabeco tập trung phát triển ở phân khúc chủ lực của mình. Đây là một chiến lược hợp lý và khôn ngoan hơn, do phân khúc phổ thông vẫn có sản lượng tiêu thụ cao nhất tại thị trường. Sabeco vẫn có ưu thế vượt trội cả về thương hiệu, quy mô sản xuất và hệ thống phân phối so với đối thủ Habeco ở phân khúc này.
Kể từ năm 2018, sau khi thay đổi ban lãnh đạo chủ chốt, chiến lược marketing mới của Sabeco hướng tới chi tiêu hiệu quả hơn cho hoạt động quảng cáo và khuyến mại, thay vì chi tiêu nhiều hơn.
Theo đánh giá của các công ty nghiên cứu, từ năm 2023, sản lượng tiêu thụ trên thị trường bia được dự đoán có thể quay trở lại như thời điểm trước dịch Covid-19. Euromonitor vẫn lạc quan khi dự báo tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm ngành bia Việt Nam giai đoạn 2021-2026 đạt 10%. Trong cuộc đua này, khoảng cách giữa Sabeco và Habeco còn rất lớn.
Theo Vietnamnet