Tại cửa hàng đặc sản miền Bắc Thanh Thảo ở đường Điện Biên Phủ, Quận 1, lượng khách mua hàng giảm khoảng một nửa. Chi phí vận chuyển tăng, giá thành cao hơn nên cửa hàng chủ động nhập hàng ít hơn mọi năm. Chị Thảo chủ cửa hàng này cho biết: đặc sản miền Bắc năm nay cũng không có gì mới, chủ yếu vẫn là: cá chép kho riềng làng Vũ Đại, các loại nem chả, măng, miến, bánh chưng miền bắc…
“Mặt hàng mới thì năm nay mình không có, dịch bệnh nên lượng hàng cũng giảm nhiều, hàng chỉ có các loại các mặt hàng truyền thống thống của miền Bắc thôi. Giờ khách cũng không yêu cầu cái gì đặc biệt nữa, mọi năm họ chuyển đặc sản này kia vào bán, nhưng năm nay họ lên cửa hàng có gì thì họ mua món đó” - chị Thảo chia sẻ.
Tại cửa hàng đặc sản miền Tây ở đường Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh, năm nay chỉ có một vài loại bánh mứt mới như: bánh ngũ hạt, mứt nha đam, mứt sơ ri, mứt chôm chôm… Các loại khô thì ít chủng loại hơn những năm trước.
Không chỉ 2 cửa hàng trên mà nhiều cửa hàng đặc sản vùng miền ở đường Cách mạng tháng Tám, Quận 10, đường Hồng Hà, Quận Tân Bình và khu vực Cầu Ông Lãnh, Quận 1… cũng không dám nhập nhiều, hàng hóa rất ít loại sản phẩm mới.
Riêng các loại rượu trái cây, năm nay vẫn được các cửa hàng đặc sản bán khá nhiều như: rượu bưởi Tân Triều, rượu sen Đồng Tháp, rượu dừa Bến Tre, rượu sim Phú Quốc… với mức giá từ 105.000 - 230.000 đồng/bình rượu từ 0,5 -1 lit. Đến thời điểm này, giá các mặt hàng đặc sản khá ổn định. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh, thu nhập bị ảnh hưởng nên người tiêu dùng mua sắm cũng ít hơn.
Chị Xuân đang mua hàng ở cửa hàng đặc sản miền Tây, quận Bình Thạnh cho biết: “Tôi hay mua các loại bánh mứt làm từ trái cây về quê làm quà. Mình cũng mua các loại cá khô đặc sản miền Tây. Tết năm nay, hàng ít hơn, không phong phú như như mọi năm, giá không tăng và mình chọn những cửa hàng uy tín, thương hiệu, có cửa hàng chứ không mua hàng trôi nổi”.
Trong khi, tại các cửa hàng việc buôn bán khá ảm đạm thì hàng đặc sản Tết trên mạng được rao bán khá sôi động nhất là các loại đặc sản Tây Bắc, Tây Nguyên như: nấm hương, khô trâu, bò gác bếp, bò một nắng Gia Lai… Trong đó, khô trâu bò được bán với giá từ 650.000 - 800.000 đồng/kg. Các đặc sản Campuchia cũng được rao bán nhiều như: khô trâu, bò, nai, khô cá tra biển hồ, khô cá lóc biển hồ, khô rắn, lạp xưởng Xiêm Riệp…
Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm này đóng gói đều không có ghi nhãn mác, nơi sản xuất. Khi khách hỏi về nguồn gốc xuất xứ của khô nai Campuchia thì chị Mai, người bán hàng trên mạng, nhà ở Quận 12, TP.HCM giải thích: Người nhà bên Campuchia làm nên đảm an toàn về chất lượng sản phẩm.
“Tôi có ông anh làm trong trại chăn nuôi nai ở Campuchia. Mùa này, ông anh mình xẻ thịt nai, chế biến, làm khô phơi gửi về Việt Nam. Ở Campuchia không ai ghi nhãn mác gì, chỉ có người Việt Nam mình về đây thích thì tạo thêm nhãn mác thôi. Còn mình thì nhập như thế nào về mình để như vậy bán chứ không ghi nhãn mác” - chị Mai nói.
Dịp Tết, thực phẩm đặc sản luôn được nhiều người tiêu dùng thích lựa chọn. Tuy nhiên, ở thời điểm khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh thì ngoài mua sắm, chi tiêu hợp lý thì lựa chọn nguồn gốc xuất xứ sản phẩm cũng là để mọi người có một cái Tết an toàn, khoẻ mạnh./.