Theo ông Huỳnh Uy Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xử lý nước thải Hằng Hữu Huỳnh, Nhà máy Xử lý nước thải Sóng Thần II có thể xử lý tối thiểu khoảng 10.000 m3 và tối đa có thể lên tới 18.000 m3 nước thải công nghiệp mỗi ngày. Đây là nhà máy đầu tiên ở Việt Nam xử lý nước thải công nghiệp bằng phương pháp vi sinh thành nước phục vụ sản xuất. Kết quả thử nghiệm hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và tiêu chuẩn của Bộ Y tế là nước sinh hoạt phục vụ sản xuất. Trong giai đoạn 2018-2021, Công ty sẽ đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng để xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, ưu tiên đặc biệt các điểm nóng về ô nhiễm môi trường trên cả nước (dự kiến 100 nhà máy).
Ông Huỳnh Uy Dũng (bên trái) nghiên cứu quy trình xử lý nước thải công nghiệp bằng phương pháp vi sinh.
Ông Huỳnh Uy Dũng là người đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển các Khu công nghiệp (KCN). Thời gian qua, các KCN đã góp phần quan trọng trong việc tăng trưởng kinh tế của đất nước, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo việc làm trực tiếp cho người lao động. Tuy nhiên, quá trình phát triển của các KCN đã đặt ra không ít bất cập và thách thức, trong đó có tình trạng ô nhiễm môi trường nước ở nhiều KCN đang gây bức xúc trong dư luận. Trước thực trạng đó, ông Dũng đã nghiên cứu tìm giải pháp để giải quyết vấn nạn trên. Và ông đã nghiên cứu thành công quy trình xử lý nước thải công nghiệp thành nước phục vụ sản xuất bằng phương pháp vi sinh.
Ông Dũng khẳng định, 30% lợi nhuận của Nhà máy Xử lý nước thải Hằng Hữu Huỳnh sẽ để làm công tác từ thiện và 10% lợi nhuận phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học môi trường (về nước thải, rác thải và khí thải).
Theo Bộ tài nguyên và Môi trường, hiện cả nước có 615 cụm công nghiệp, nhưng chỉ có khoảng 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung, có gần 300 KCN với lưu lượng xả thải trên 2 triệu m3/ngày, nhưng chỉ trên 60% lượng nước thải được xử lý qua các nhà máy xử lý nước thải tập trung, có tới 70% lượng nước thải chưa được xử lý triệt để.
Song Liên/Báo Cần Thơ