Do thị hiếu tiêu dùng và lợi nhuận hấp dẫn khiến cơ cấu ngành chăn nuôi quá lệch về con heo và chậm phát triển các loại thịt có giá thành rẻ như gà, vịt hay trâu, bò, dê.
Cơ cấu chăn nuôi mất cân đối
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ngành chăn nuôi chưa bao giờ gặp khó khăn do dịch bệnh như hiện nay. Trong chăn nuôi, con heo chiếm tỉ trọng quá lớn dẫn đến nhiều hệ lụy. Đàn heo đang giảm, giá sẽ tăng nhưng muốn phát triển đàn phải kiểm soát được dịch bệnh.
Giải pháp tìm nguồn thay thế thịt heo không phải đang dịch bệnh, khủng hoảng mới bàn mà đã có định hướng từ khá lâu. Việt Nam trước giờ bị mất cân đối trong chăn nuôi và tiêu thụ thịt. Cụ thể, tiêu thụ thịt của Việt Nam lên đến 65%-70% là heo, 20%-25% gia cầm, còn lại là thịt gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê…). Trong khi đó, các nước có ngành chăn nuôi phát triển, thịt heo chỉ chiếm 20%-25%, gia cầm 40%, 30%-35% gia súc ăn cỏ.
Thịt heo đang chiếm tỉ lệ cao trong cơ cấu thực phẩm của người Việt
"Trên thế giới chỉ có Việt Nam và Trung Quốc có cơ cấu tiêu thụ thịt giống nhau và đây không phải là cơ cấu "thông minh". Bởi lẽ, gà có giá thành rẻ hơn heo (gà công nghiệp dưới 24.000 đồng/kg gà lông, trong khi giá heo khoảng 38.000 đồng/kg heo hơi - PV) nhờ thời gian nuôi ngắn, chưa tới 1,5 tháng, trong khi heo mất đến 6 tháng. Nuôi heo tiêu tốn nhiều thức ăn hơn gà (2,4 kg so với 1,8 kg thức ăn để tạo ra 1 kg thịt), chưa kể nuôi heo gây áp lực ô nhiễm môi trường rất lớn" - người đứng đầu ngành chăn nuôi phân tích.
Giám đốc một công ty chế biến thực phẩm lớn tại Bình Dương cho biết đối với chế biến trong gia đình, thịt heo rất khó thay thế bởi thói quen của người dân. Tuy nhiên, đối với thịt dùng làm nguyên liệu chế biến thực phẩm, tỉ lệ sử dụng thịt gà ngày càng tăng do giá rẻ. "Từ khi xảy ra dịch tả heo châu Phi, khách hàng chuyển sang dùng sản phẩm chế biến từ gà, cá, bò nhiều hơn hẳn. Trong đó, sản phẩm từ gà có lợi thế nhất nhờ giá thành rẻ. Hơn nữa, lớp trẻ bây giờ bị ảnh hưởng bởi thức ăn nhanh, thích thịt mềm, không còn thích loại dai, giòn như thế hệ trước nên tương lai không xa người Việt sẽ giảm tiêu thụ thịt heo" - vị giám đốc này nhận định.
Chờ thời gian trả lời
Ông Nguyễn Như Sinh, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Chăn nuôi Long Bình, xác nhận gần đây, tiêu thụ thịt gà mạnh hơn, bù đắp lượng giảm của thịt heo. "Một số trang trại nuôi gà thời gian qua treo chuồng, nay thả nuôi trở lại, góp phần tăng sản lượng. Dù vậy, việc tăng thị phần của thịt gà là bền vững hay nhất thời, tình thế khi có dịch bệnh vẫn phải chờ thời gian trả lời" - ông Sinh thận trọng nói.
Theo ông Âu Thanh Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, hiện nay thế giới chuyên môn hóa rất cao, trong khi chăn nuôi gia súc ở Việt Nam vẫn còn nhỏ lẻ nên giá thành cao, rất khó cạnh tranh với bò Úc, New Zealand, Mỹ. "Đối với gà, do thời gian nuôi ngắn nên khi con heo dính dịch bệnh, sản lượng gà dễ tăng nhanh, như gà lông trắng tăng 10%, gà lông màu (gà thả vườn) tăng đến 50% nên giá giảm. Tuy nhiên, để người tiêu dùng thay đổi thói quen, dùng thịt trắng (gà) nhiều hơn thịt đỏ (heo) là không đơn giản" - ông Long nhận xét.
Khả năng tăng đàn bò khi ngành heo gặp khó khăn là thấp do thịt bò giá cao. TS Nguyễn Văn Bắc - Phó trưởng Văn phòng Thường trực Nam Bộ, phụ trách khuyến nông chăn nuôi Trung tâm Khuyến nông quốc gia - cho rằng giải pháp giúp nông dân phát triển đàn bò thịt là hình thành những đơn vị cung cấp thức ăn hỗn hợp dành cho gia súc này từ phụ phẩm nông nghiệp.
"Phụ phẩm nông nghiệp có khắp nơi nhưng rất ít đơn vị thu gom chế biến thành thức ăn cho gia súc, nếu từng hộ nông dân phải làm việc này thì chăn nuôi mãi nhỏ lẻ theo kiểu lấy công làm lời. Chỉ khi có đầu mối cung cấp thức ăn chuyên nghiệp, ngành chăn nuôi bò thịt mới chuyên môn hóa, tăng đàn trên từng hộ, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh.
Chuẩn bị nguồn thịt gà dự phòng Theo Sở Công Thương TP HCM, sở đã làm việc với các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn thị trường nhằm bảo đảm nguồn cung gia súc, gia cầm an toàn ứng phó với dịch bệnh. Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn như Công ty CP Ba Huân và Công ty TNHH San Hà… bảo đảm đủ nguồn hàng thịt gia cầm (thịt gà) thay thế cho thịt heo khi dịch bệnh tiếp tục lan rộng. Ngoài lượng thịt gà cung ứng hằng ngày, các công ty có thể thu mua thêm trong nước để dự trữ. Công ty TNHH San Hà chủ động thuê ngoài 2 kho lạnh với sức chứa hơn 1.000 tấn để trữ hàng nhập khẩu trong 12 tháng, đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. |