Để tăng cường kiểm soát thực hiện giãn cách xã hội, đặc biệt tại các khu vực phong tỏa, để phòng chống dịch COVID-19, Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn; đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 qua hệ thống điều hòa trung tâm, hệ thống thông gió tòa nhà chung cư.
Còn trước đó, một số chung cư ở TP.HCM và Hà Nội đã ghi nhận các ca dương tính với SARS-CoV-2 tại căn hộ cùng block, cùng trục đứng khiến cư dân bất an. Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại- liệu có hay không nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 thông qua hệ thống điều hoà, thông gió tại các khu chung cư?
Để giải đáp băn khoăn này, phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường - Bộ Xây dựng.
PV: Trước tiên xin được cảm ơn ông đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của PV Đài TNVN. Thưa ông, hiện nay có nhiều ý kiến băn khoăn về khả năng lây nhiễm SARS-CoV-2 tại các toàn chung cư thông qua hệ thống điều hoà trung tâm, hệ thống thông gió. Xin được biết quan điểm của ông về vấn đề này?
PGS.TS Vũ Ngọc Anh: Quan điểm của chúng tôi ở góc độ cơ quan chuyên môn về quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn, về nhà chung cư, chúng tôi có quy chuẩn 04 về nhà chung cư và bên cạnh đó, chúng tôi có các tiêu chuẩn về hệ thống điều hòa. Trong thiết kế, tất cả các chủ đầu tư, các nhà tư vấn thiết kế, công tác nghiệm thu bàn giao đi vào sử dụng đều vào phải kiểm tra an toàn cho tòa nhà, trong đó có cả kiểm tra hệ thống về điều hòa, thông gió. Với hệ thống điều hòa, chúng tôi có tiêu chuẩn thiết kế, bao giờ cũng vậy, đường thiết kế hệ thống lấy khí tươi vào trong tòa nhà và hút khí thải ra - hai hệ thống này độc lập và chúng tôi trong tiêu chuẩn cũng đã quy định là ống thải ra và ống hút khí vào phải cách nhau tối thiểu 5m.
Về nguyên tắc là điều hòa, việc lây lan trong điều hòa, giữa phần ra và phần hút vào tương đối độc lập và yên tâm. Không có chuyện xả của nhà này ra thì hút của nhà kia vào. Thứ hai, trong nhà có các hệ thống kỹ thuật, các đường ống thông hơi, ví dụ như các hộp kỹ thuật trong các tòa nhà chung cư có thể chạy theo phương đứng từ trên xuống dưới. Hộp kỹ thuật này để hút hơi chủ yếu là chúng ta hay có những quạt hút gió từ nhà vệ sinh hoặc từ bếp vào hệ thống hộp kỹ thuật, thế thì hệ thống hộp kỹ thuật này luôn luôn được chế tạo và áp suất ở trong đó luôn là áp suất âm, tức là áp suất hệ thống kỹ thuật này thấp hơn so với áp suất ở trong nhà. Thế cho nên chỉ có một luồng gió từ trong nhà ra hệ thống kỹ thuật và hút thẳng lên trên mái nhà chung cư.
Về nguyên tắc là như vậy, do vậy về quy chuẩn, tiêu chuẩn thì tin tưởng rằng chúng ta sẽ khó có chuyện lây lan covid, virus qua các hệ thống điều hòa thông gió hoặc đường ống kỹ thuật. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, các đối tượng tham gia quản lý nhà chung cư như Ban quản trị hoặc một bộ máy nào đó tương tự thường xuyên phải kiểm tra, ví dụ như đường ống thông gió. Bây giờ nếu như nó không hoạt động cái quạt thông gió ở phía trên đường ống kỹ thuật thì không tạo ra áp suất âm, thì rất có thể không khí ở trong ống thông gió đó sẽ quay ngược vào trong nhà.
PV: Như ông vừa cho biết thì với các chung cư cao tầng nếu được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn của Bộ Xây dựng thì nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 sẽ khó. Thế còn với các chung cư cũ thì sao? Và theo ghi nhận của ông, hiện các chung cư ở Hà Nội và TP.HCM thực tế trong quá trình xây dựng đã đáp ứng các tiêu chuẩn-quy chuẩn của Bộ Xây dựng hay chưa?
PGS.TS Vũ Ngọc Anh: Về việc các chung cư đáp ứng được các tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng hay chưa thì phải nói rằng, chung cư được xây dựng qua rất nhiều giai đoạn. Có những chung cư xây dựng những năm 60, 70, 80 của thế kỷ trước, thì chung cư này đã xuống cấp và đa phần dùng thang bộ (4-5 tầng) và các chung cư hồi xưa hành lang là hành lang hở (tức là lối đi luôn luôn tiếp xúc với không gian bên ngoài), căn hộ thì tương đối nhỏ.
Trong khi đó, việc sinh hoạt trong các chung cư cũ này như người ta sinh hoạt trong phố, nếu như người bệnh và người khỏe tiếp xúc với nhau thì vẫn nhiễm bệnh như thường. Còn trong các khu chung cư này, vấn đề điều hoà, thông gió theo đánh giá của tôi thì không có vấn đề gì, nó thoát trực tiếp ra bên ngoài, không có không gian chung và kín như các căn chung cư mới xây dựng gần đây.
Chung cư mới xây dựng gần đây là chung cư sử dụng thiết kế hành lang chung, với hai dãy căn hộ ở hai bên - những chung cư này chúng ta mới đáng lo lắng về việc có lây nhiễm ở hành lang chung này hay không.
Còn về phần đường ống kỹ thuật trong các khu chung cư cũ, đa phần phát thải trực tiếp ra bên ngoài. Trong khi theo các chuyên gia y tế, khi phát thải ra bên ngoài thì lượng virus rất thấp, nhiệt độ lại cao thì việc lây lan trong không khí đã bị pha loãng ở bên ngoài thì hạn chế, ít xảy ra.
Còn các chung cư xây dựng từ năm 2000 đến gần đây thì khi thiết kế người ta cũng tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Quy chuẩn của Bộ Xây dựng thì ngày càng chặt, quy chuẩn mới nhất chúng tôi ban hành từ năm 2019 đến nay thì việc kiểm soát rất là tốt. Thế còn với các chung cư từ năm 2000 đến trước năm 2019 thì trong chỉ đạo của Bộ Xây dựng, chúng tôi có đề xuất phải kiểm tra lại những vấn đề về điều hoà, thông gió. Nếu có vấn đề gì chưa tuân thủ quy chuẩn thì phải kiến nghị, rồi ban quản trị, chủ đầu tư, nhà vận hành luôn luôn phải soát xét và cập nhật.
PV: Trước những lo ngại của người dân về nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại các khu chung cư cao tầng, ông có khuyến cáo gì?
PGS.TS Vũ Ngọc Anh: Về khuyến cáo làm thế nào để chúng ta sống an toàn trong mùa dịch ở các tòa nhà chung cư, thì trong đó cũng có mấy giải pháp.
Thứ nhất, đầu tiên phải tuân thủ 5K; thứ hai, thang máy chỉ vận hành khoảng 50% công suất, khử khuẩn thường xuyên cho thang máy; thứ ba, hành lang chung ở trong các chung cư, đặc biệt là ở các tòa nhà chung cư dùng để cách ly F0 hoặc F1, chúng ta phải để thông gió tự nhiên hoặc có biện pháp cơ học, chứ không nên dùng điều hòa tổng để điều hòa các không gian chung như là sảnh chung cư hoặc hành lang. Bởi tôi biết một số chung cư cao cấp, người ta dùng điều hòa tổng để làm mát các không gian chung, trong đó có sảnh nhà chung cư, hoặc hành lang.
Còn trong nhà, căn hộ có cách ly F0 cũng phải kiểm tra tất cả các hệ thống thông gió ngang từ trong nhà ra hành lang và hoàn toàn phải bịt kín. Trong căn hộ có F0 ta phải chọn 1 phòng mà nó độc lập, nghĩa là có tường ngăn dưới mặt sàn lên đến tận trần và có các đường ống kỹ thuật đi giữa các phòng chúng ta cũng phải bịt kín lại. Phòng chứa F0 có cửa sổ mở ra ban công để thoáng ra bên ngoài và không dùng điều hòa cho phòng này, đúng theo nguyên tắc của Bộ Y tế.
Như vậy, chúng ta sẽ hạn chế được lây lan. Về các đường ống thông gió kỹ thuật như đã nói từ đầu thì như tôi khẳng định, nếu chúng ta làm đúng quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn thì khó có thể xảy ra, nhưng mà khâu vận hành thì cũng phải kiểm tra lại xem thế nào. Còn câu chuyện nếu như chúng ta có F0 trong nhà thì chúng ta có biện pháp như thế nào để hạn chế việc đi lại, tiếp xúc của người F0, F1 ở trong các không gian chung. Có thể người ta phát tán virus ra nên chúng ta phải có biện pháp về thông gió, chiếu sáng để tránh việc lây nhiễm chéo.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!./.
Theo VOV