Theo các chuyên gia đến từ Chứng khoán Tân Việt (SCI), tuần đầu tiên trong năm mới, thị trường chứng khoán Việt Nam hứng chịu những rung lắc hết sức dữ dội. Áp lực bán tháo đã có dấu hiệu nhen nhóm ngay phiên đầu tuần và ngày một mạnh mẽ, khiến chỉ số có phiên bốc hơi tới hơn 35 điểm. Thế nhưng, trong 2 phiên cuối, đà bán tháo đã tạm thời chấm dứt khi thanh khoản có phần sụt giảm, cho thấy nhà đầu tư đang trở nên thận trọng hơn.
Kết thúc tuần giao dịch đầy ảm đạm, chỉ số VN-Index sụt giảm 39,95 điểm, quay về mốc 1.077 điểm, tương đương 3,58%. Thanh khoản tuần qua có xu hướng gia tăng so với tuần trước, trung bình mỗi phiên trên sàn HSX, nhà đầu tư giao dịch 13.329 tỷ đồng, tăng 19,04%; khối lượng giao dịch cũng đạt 729,13 triệu cổ phiếu, tăng 20,97%.
Do áp lực bán tháo mạnh mẽ, có thời điểm thị trường giao dịch tới hơn 17.500 tỷ đồng, tương đương với gần 1 tỷ cổ phiếu, đã đẩy thanh khoản gia tăng trong tuần vừa qua.
Nhìn chung, tổng kết lại 1 tuần giao dịch sau Tết Nguyên đán, áp lực bán đã hoàn toàn chiếm thế chủ động trên thị trường trong tuần qua. Trên biểu đồ tuần là một thân nến giảm mạnh với khối lượng vượt trội so với 5 tuần trước đó. Xét về xu hướng, tín hiệu tăng điểm trước đó đã chững lại sau tuần giảm mạnh vừa qua, nhưng theo quan điểm của chuyên gia vẫn chưa hình thành tín hiệu tiêu cực.
"Chúng tôi kỳ vọng VN-Index sẽ tích lũy đi ngang quanh vùng hỗ trợ 1.060 - 1.070 điểm. Vì vậy, chúng tôi ưu tiên quan điểm quan sát, chờ thêm tín hiệu tích cực rõ ràng hơn trước khi mở thêm vị thế mua mới", báo cáo của SCI nhấn mạnh.
Theo chuyên gia từ Chứng khoán Asean (Asean SC), việc thị trường ngày cuối tuần tiếp tục giao dịch giằng co, đóng cửa giảm nhẹ ở mức cao hơn trung bình trong ngày, trong bối cảnh thanh khoản giảm khá cho thấy sự giằng co của bên mua, bên bán và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Do đó, Asean SC cho rằng khả năng thị trường sẽ cần phải tích lũy thêm trước khi có xu hướng rõ ràng hơn.
"Dự báo trong phiên giao dịch tới, sự giằng co có thể sẽ diễn ra giữa lực mua tại hỗ trợ 1.060 – 1.070 điểm và lực bán tại kháng cự 1.080 - 1.090 điểm, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày", chuyên gia Asean SC nhận định.
Chuyên gia Chứng khoán Đông Á (DAS) nhận định lực cầu bắt đáy yếu, chờ cơ hội mua khi thị trường điều chỉnh. Theo đó, chỉ số VN-Index ngừng rơi trong hai phiên vừa qua nhưng lực cầu bắt đáy còn yếu, thanh khoản thị trường giảm xuống quanh mức 10.000 tỷ đồng mặc dù đã có sự hỗ trợ tích cực từ dòng tiền mua ròng của khối nhà đầu tư nước ngoài.
Việc giữ điểm số bằng sự hỗ trợ của một vài cổ phiếu trụ chưa giúp thị trường định hình khả năng quay lại xu hướng tăng, cơ hội kiếm lợi nhuận ngắn hạn khá ít ỏi. Điểm số VN-Index còn có thể tiếp tục điều chỉnh trong những phiên tới khi nhóm cổ phiếu trụ giao dịch tăng giảm đan xen và thanh khoản thị trường chưa tích cực trở lại.
"Trong tuần tới, sự phản ứng của thị trường tại vùng hỗ trợ ngắn hạn VN-Index 1.050 - 1.060 điểm sẽ phản ánh khả năng hấp thụ lượng hàng chốt lời. Nhà đầu tư quan sát phản ứng tại giá trên, chờ mua khi thị trường giữ được xu hướng tăng hoặc quản trị rủi ro, hạ tỷ trọng cổ phiếu trong trường hợp mốc VN-Index 1.050 điểm bị phá vỡ", chuyên gia của DAS nhận định.
Chốt phiên cuối tuần, VN-Index giảm 0,44 điểm xuống 1.077 điểm, toàn sàn có 185 mã tăng, 216 mã giảm và 69 mã đứng giá.
HNX- Index giảm 0,03 điểm xuống 215,28 điểm, toàn sàn có 79 mã tăng, 82 mã giảm và 56 mã đứng giá.
Khối lượng giao dịch toàn thị trường gần 12 nghìn tỷ đồng, riêng tại HoSE hơn 10,5 nghìn tỷ đồng.
Khối ngoại mua ròng 530 tỷ đồng trên sàn HOSE, trong đó, nổi bật mua STB, HPG, NVL, VCB, KBC...
Rổ VN30 ghi nhận 14 mã tăng điểm khá cân bằng so với 16 mã giảm điểm. Đà tăng điểm nổi bật chỉ hiện diện tại một số cổ phiếu như GVR, KDH, NVL, PLX, POW, SAB hay VRE với mức tăng đến 5,3%, trong khi đó đà giảm kết phiên ghi nhận ở các cổ phiếu như BVH, FPT, GAS, HPG, MWG, VJC, VNM với mức giảm đến 4,2%...