Ông Lê Đình Hảo, Giám đốc kinh doanh miền Bắc của batdongsan.com.vn cho biết, nếu mức độ quan tâm với bất động sản bán tại Hà Nội trong quý 4/2022 giảm 8% so với quý 1/2022 thì bất động sản cho thuê tăng tới 63%.
Ông Hảo dẫn chứng, sự tăng trưởng của phân khúc cho thuê diễn ra đồng loạt ở mọi loại hình. Trong đó, nhà phố có mức độ quan tâm cho thuê tăng trưởng mạnh nhất, đạt 179%. Các phân khúc như chung cư, văn phòng, nhà riêng, nhà trọ ghi nhận mức tăng trưởng ở thị trường cho thuê là 21%, văn phòng 153%, nhà riêng 77%.
Theo các chuyên gia của batdongsan.com.vn, thị trường năm 2022 khá trầm lắng và đối diện với nhiều thách thức trước mắt bao gồm nguồn vốn, giá bán bất động sản đã tăng quá cao, sự biến động của nhân sự…
Tuy vậy, thị trường hiện tại vẫn có nhiều tiềm năng. Tâm lý người mua bất động sản đã chuyển hướng sang những lựa chọn an toàn hơn, thay vì mạo hiểm đầu tư như giai đoạn trước, tạo cơ hội cho những phân khúc đáp ứng nhu cầu thực.
“Thị trường bất động sản vẫn có tiềm năng nếu nhìn từ các chỉ số kinh tế. Chỉ số GDP của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 7,5-8,2% cùng với CPI từ 3,8-4,2% cho thấy bức tranh chung duy trì tốc độ tăng trưởng, thu nhập người dân ổn định. Bên cạnh đó, tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam còn thấp, đạt khoảng 40%, còn ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM chưa đến 50%. Với những đô thị lớn tập trung đông dân, kinh tế được đẩy mạnh đầu tư thì bất động sản vẫn có nhiều cơ hội phát triển”, ông Quốc Anh nhận định.
Ông Quốc Anh cũng đưa ra những khuyến nghị cho doanh nghiệp bất động sản và người mua để ứng phó được với mọi kịch bản. Với doanh nghiệp bất động sản, cần cải thiện hồ sơ tín dụng; phát hành trái phiếu minh bạch và phù hợp với khả năng trả nợ, đưa ra tài chính hấp dẫn cho người mua; đẩy nhanh pháp lý và tiến độ dự án để có nguồn vốn từ khách hàng trả trước.
Với người mua nhà, ông Quốc Anh cho rằng cần cập nhập thông tin vĩ mô tài chính và pháp lý, thận trọng lựa chọn chủ đầu tư có nội lực tốt và những dự án tốt, lựa chọn loại hình bất động sản có giá trị thực và cân nhắc các phương án tài chính phù hợp.
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký công điện đề nghị các bộ ngành vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở. Cụ thể, ông yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp tục làm việc và cùng với các địa phương, doanh nghiệp chủ động, tích cực rà soát khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản.
Đồng thời Bộ này phải hướng dẫn, đôn đốc các địa phương để giải quyết, tháo gỡ ngay các nội dung thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; tổng hợp kết quả làm việc của tổ công tác, xử lý theo thẩm quyền và đề xuất giải pháp cụ thể vượt thẩm quyền, nhất là các giải pháp cần thiết, cấp bách.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật theo thẩm quyền còn chồng chéo, bất cập gây cản trở trong triển khai thực hiện dự án bất động sản...
Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cung ứng vốn tín dụng kịp thời cho nền kinh tế; cho vay, giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Ngân hàng Nhà nước ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại với giá phù hợp, khả thi của thị trường và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ và phát triển.
Bộ trưởng Tài chính được giao rà soát việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản và có giải pháp phù hợp, hiệu quả góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường.
Thủ tướng giao Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương rà soát sửa đổi, bổ sung kịp thời quy định, pháp luật về đầu tư, đấu thầu; Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường chủ động rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp lý theo thẩm quyền để đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn thuộc lĩnh vực đất đai...
Với các doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có liên quan tích cực, chủ động cơ cấu lại các phân khúc khách hàng, các sản phẩm, giá cả, thời hạn thanh toán, phương thức thanh toán... phù hợp, khả thi, thuận lợi cho khách hàng, người dân, nhất là những đối tượng có nhu cầu thực sự và có tính khả thi.
Cuối cùng, người đứng đầu Chính phủ kêu gọi, đề nghị các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp chung sức, đồng tâm, hợp lực để vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy thị trường bất động sản đúng quy luật, hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững.