Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/1/2023, chỉ số VN-Index tăng 36,81 điểm (+3,66%) lên 1.043,9 điểm. HNX-Index tăng 7,26 điểm (+3,53%) lên 212,56 điểm. Upcom-Index tăng 0,76 điểm lên 72,4 điểm.
Thanh khoản trên thị trường đạt 10.400 tỷ đồng, trong đó có 9.249 tỷ đồng trên HOSE.
Thị trường chứng khoán tăng điểm trên diện rộng. Trên sàn HOSE, có 352 mã tăng giá, trong đó có 68 mã tăng trần và chỉ có 74 mã giảm giá.
Trong nhóm VN30, tất cả đều tăng giá, trong đó cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát, PDR của Bất động sản Phát Đạt, SSI của Chứng khoán SSI và VRE của Vincom Retail tăng hết biên độ cho phép.
Nhóm cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng mang đến mức tăng điểm khá cho thị trường chung khi cả 3 mã Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM) và Vincom Retail (VRE) đều tăng mạnh. Vingroup tăng thêm 3.000 đồng lên 56.800 đồng/cp; Vinhomes tăng 1.400 đồng lên 49.400 đồng/cp.
Nhiều mã cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh. BIDV (BID) tăng 2.600 đồng lên 41.200 đồng/cp; Vietcombank (VCB) tăng 2.600 đồng lên 82.600 đồng/cp; Sacombank (STB) tăng thêm 1.000 đồng lên 23.500 đồng/cp; MBBank (MBB) tăng 900 đồng lên 18.000 đồng/cp…
Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng không ngoại lệ. Ngoài Vinhomes, Phát Đạt, thì Novaland (NVL) và Nhà Khang Điền (KDH)… cũng tăng khá mạnh.
Các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng phiên thứ 30 liên tiếp. Trong ngày đầu năm mới 3/1, khối ngoại mua ròng 231 tỷ đồng trên sàn HOSE. Trong 2 tháng 11 và 12/2022, khối ngoại mua ròng hơn 30.800 tỷ đồng cổ phiếu Việt.
Trong năm 2022, Việt Nam ghi nhận nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô tích cực, từ tăng trưởng GDP (+8,02%) cho tới lạm phát thấp, tỷ giá tương đối ổn định… Trong năm 2023, nền kinh tế thế giới được dự báo gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các tổ chức trong và ngoài nước vẫn đưa ra những đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam tương đối tích cực. Nhiều tổ chức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2023 đạt 6,3-7,2%.
Dòng tiền đổ vào cổ phiếu, kỳ vọng năm mới tươi sáng
Trên thị trường chứng khoán, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ có một năm tăng trưởng vượt trội. Dòng vốn ngoại vẫn tiếp tục đổ vào từ kênh đầu tư trực tiếp cho đến gián tiếp. Đây là tiền đề quan trọng hỗ trợ cho kinh tế trong nước và thị trường chứng khoán phát triển.
Thị trường chứng khoán cũng được dự báo có dư địa phát triển tốt sau khi giảm khá mạnh trong năm 2022.
Trong năm 2022, chỉ số VN-Index giảm 34%, từ mức đỉnh 1.525,58 điểm ghi nhận trong phiên đầu năm xuống còn 1.007,09 điểm vào cuối năm. Theo nhiều chuyên gia, chứng khoán được dự báo tích cực trong năm 2023 nhờ nền thấp, rủi ro đã được phản ánh phần lớn vào giá cổ phiếu.
Hiện, giới đầu tư kỳ vọng vào các nỗ lực giải ngân đầu tư công và quyết tâm của Chính phủ đối với các dự án trọng điểm (trong đó có dự án cao tốc Bắc Nam và sân bay Long Thành). Việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế sau đại dịch Covid cũng mang đến tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp Việt trong nhiều ngành như xuất nhập khẩu, du lịch, nguyên vật liệu…
Theo Chứng khoán TPS, việc Trung Quốc nới lỏng Zero-Covid được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến giao thương toàn cầu, nối lại các chuỗi cung ứng đã bị gián đoạn. Đồng thời, CPI của Mỹ hạ nhiệt sẽ giúp Fed giảm tốc độ tăng lãi suất.
Vĩ mô ổn định với tỷ giá đã được kiểm soát tương đối tốt, lạm phát ở mức thấp… cũng giúp các doanh nghiệp dễ tiếp cận được dòng vốn và thanh khoản sẽ bớt áp lực hơn trong năm 2023. Việc Chính phủ có thể sửa đổi Nghị định 65 về thị trường trái phiếu có thể sẽ khiến lãi suất trên hệ thống ngân hàng đảo chiều giảm…
Theo TPS, ngân hàng trung ương các nước có thể giảm tốc độ tăng lãi suất và sau đó là nới lỏng chính sách thắt chặt tiền tệ, qua đó kích thích tiêu dùng tăng trở lại. Xuất khẩu Việt Nam sẽ tốt lên. Theo kịch bản tích cực, VN-Index có thể đạt 1.373-1.436 điểm trong năm 2023.
Còn theo chứng khoán ACBS, trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ vượt đỉnh cũ để tiến lên 1.550 điểm vào cuối năm 2023.
Theo Vietnamnet