Nhu cầu lớn nhưng “khó” phát triển dự án
Số liệu từ Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội trong toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2011 - 2020 cần khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó, TP HCM cần khoảng 134.000 căn, Hà Nội cần khoảng 110.000 căn, Bình Dương cần 41.250 căn, Đồng Nai 36.700 căn, Đà Nẵng 11.500 căn...
Hà Nội xây dựng mục tiêu phát triển nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp đến năm 2020 cần hơn 4.676.000 m2 sàn; nhà ở cho công nhân khoảng hơn 567,5 m2 sàn. TP HCM đang triển khai kế hoạch xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với tổng số 44.701 căn hộ. Đến năm 2020, thành phố có thể xây dựng hoàn thành 20.000 căn. Nhưng nguồn lực ngân sách có hạn, kể cả khi thực hiện phương thức xã hội hóa vẫn chưa thể đáp ứng kịp thời nhu cầu nhà ở xã hội của cả nước, nhất là tại Hà Nội, TP HCM và các tỉnh công nghiệp hóa cao, mà cần phải có lộ trình, kế hoạch và giải pháp thực hiện thật khả thi.
Chủ đầu tư dự án khu đô thị “ôm” đất nhà ở xã hội chờ chuyển đổi.
“Quỹ đất dành cho nhà ở xã hội cũng đang là vấn đề đặt ra, thiếu nguồn đất sạch để triển khai dự án, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của TP HCM được xây dựng nhưng chưa có quy chế đấu thầu chọn chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội” - ông Sơn nói.
Nhà ở xã hội đang thiếu vốn và đất phát triển dự án. Nút thắt về nguồn vốn và đất đai cần được gỡ thì các dự án nhà ở xã hội mới có thể triển khai được.
Đất làm nhà ở xã hội không thiếu
Dù nhu cầu phát triển nhà ở xã hội rất lớn, nhưng nghịch lý nhà ở xã hội xây xong bị ế vẫn đang hiện hữu. Tại Hà Nội, nhiều dự án nhà ở xã hội vị trí xa trung tâm, chưa đầy đủ hệ thống dịch vụ công cộng và không thuận tiện về kết nối hạ tầng với khu trung tâm nên khó hấp dẫn người mua.
Đơn cử như dự án nhà ở xã hội CC-1 Khu đô thị mới Quốc Oai, đến đợt thứ 7 mở bán, tổng số là 278 căn hộ nhưng chỉ bán được có 4 căn hộ. Việc triển khai dự án nhà ở xã hội cần phải nhìn nhận lại, phù hợp với nhu cầu của người thu nhập thấp.
Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, muốn làm nhà 1 là có đất, 2 là có tiền. Quỹ đất chúng ta không thiếu, luật quy định dành 20% trong tổng quỹ đất đất phát triển nhà và đô thị làm nhà ở xã hội. Theo điều tra năm 2013, riêng Hà Nội và TP HCM có 20.000 ha đất phát triển đô thị, 20% tương ứng là 4.000 ha đất dành cho nhà ở xã hội.
“Khi kiểm tra các dự án xây dựng đô thị thì quỹ đất 20% dành cho nhà ở xã hội không làm, chủ đầu tư khoanh lại không thực hiện giải phóng mặt bằng hoặc đợi thời cơ để chuyển đổi mục đích sang nhà thương mại” - ông Nguyễn Trần Nam nói.
Về tín dụng cho nhà ở xã hội, ông Nguyễn Trần Nam cho rằng, cần có quy định rõ, ví dụ các ngân hàng thương mại phải dành tối thiểu 3% dư nợ cho vay nhà ở xã hội. Hay như giao nhiệm vụ cho ngân hàng chính sách cho vay mua nhà ở xã hội thì phải quy định hàng năm ngân sách phải cấp bao nhiêu % ngân sách. Nhu cầu nhà ở của người dân tại các đô thị ngày càng cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh giá nhà đất còn cao so khả năng chi trả. Vì vậy cần xem xét tới mô hình tiết kiệm nhà ở để người dân chủ động tham gia tạo nguồn vốn cải thiện nhà ở cho bản thân.
Ông Kim Nam Jung, Chủ nhiệm Viện nghiên cứu đất đai Hàn Quốc cho biết, nhà ở xã hội tại Việt Nam tương đồng với nhà ở công cho thuê ở Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc đã phát triển nhà công cho thuê từ 50 năm nay, thời điểm ban đầu là một tổng công ty của nhà nước, nguồn vốn công chiếm vai trò chủ đạo trong phát triển nhà ở cho thuê hỗ trợ người có thu nhập thấp.
Trong thời gian gần đây mô hình nhà ở công cho thuê của Hàn Quốc đã có những thay đổi, vai trò nhà nước giảm xuống thay bằng vai trò của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp tư nhân. Việt Nam phát triển nhà ở xã hội nắm bắt được theo xu thế mới. Khi người dân ổn định chỗ ở, họ mới có thể đảm bảo tư tưởng, tập trung vào làm việc tăng cường về giáo dục dần dần cải thiện đời sống.
Theo Phương Hoài (vov.vn)