Đặt hàng trên một sàn thương mại điện tử (TMĐT) khá nổi tiếng từ ngày 14-8 nhưng đến ngày 15-10, chị Thùy Anh (quận 4, TP HCM) vẫn chưa nhận được hàng. Liên hệ với phía sàn TMĐT, chị được thông báo đơn hàng tạm thời thất lạc do nhiều hoạt động bị ngưng trệ trong thời gian giãn cách xã hội.
Tăng cường công nghệ dữ liệu
Tình trạng trên xảy ra ở hầu hết các sàn TMĐT trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát. Không ít đơn vị bán lẻ trực tuyến bất lực khi không thể xử lý lượng đơn hàng chồng chất. Nguyên nhân bởi các công ty này không kịp đầu tư cải tiến hệ thống giao nhận, tăng cường công nghệ vào khâu kho bãi… đáp ứng nhu cầu thực tế.
"Diễn biến dịch bệnh ngoài dự đoán khiến lượng khách hàng mới tăng đột biến trong khi tốc độ xử lý đơn hàng giảm xuống nhiều lần. Chúng tôi buộc phải nghĩ đến những giải pháp công nghệ mới, dù muộn còn hơn không" - đại diện một sàn TMĐT cho biết.
Robot di chuyển kệ hàng trong kho của Tiki ở huyện Nhà Bè (TP HCM) .Ảnh: HOÀI DƯƠNG
Bà Nguyễn Đức Quỳnh Lan, Giám đốc vận hành Lazada Logistics Việt Nam, cho hay khi nhiều tỉnh, thành thực hiện quy định giãn cách xã hội, đơn vị này đã chủ động thay đổi hoạt động, cải tiến quy trình vận hành để giao hàng nhanh nhất có thể. Với bộ phận giao nhận riêng là Lazada Logistics, sàn bán lẻ này hiện có hệ thống cơ sở hạ tầng logistics vững chắc để có thể linh hoạt, chủ động rút ngắn thời gian vận chuyển.
"Tại TP HCM, Lazada Logistics đã thành lập thêm 5 sortation (trung tâm chia, chọn hàng hóa) vệ tinh đặt tại huyện Hóc Môn, quận Tân Phú, quận 4 và TP Thủ Đức, thay vì phụ thuộc vào một sortation chính ở quận Gò Vấp như trước" - bà Lan thông tin.
Ông Phạm Nguyễn Thanh Quang, Trưởng Bộ phận Điều phối tuyến đường và vận tải Lazada Logistics, nhận xét các sortation vệ tinh giúp giảm áp lực về việc chia, chọn hàng hóa trong mạng lưới cũng như tăng được lưu lượng lưu thông hàng hóa. Hàng hóa được chia nhỏ và đưa về nhiều sortation nên có thể xử lý khá nhanh, gọn, từ đó giao đến tay khách hàng nhanh hơn.
Về phía nhà bán hàng, lựa chọn nơi giao dịch có công nghệ và sortation đáp ứng tốc độ giao hàng nhanh được coi là yếu tố quan trọng quyết định đến doanh số. Ông Vũ Ngọc Quang, Trưởng Bộ phận Marketing Công ty Gạo Lotus, cho biết công ty đang phối hợp với một sàn TMĐT có khâu giao nhận khá tốt.
"Mặt hàng gạo tương đối cồng kềnh. Thay vì đơn vị vận chuyển cho nhân viên đi xe máy đến lấy từng gói rất mất thời gian thì họ đã điều phối xe tải tiếp nhận hàng trăm đơn một lần. Hàng hóa được giao nhanh chóng, tỉ lệ hủy đơn giảm xuống. Nhờ vậy, trong dịp khuyến mãi 9-9, chúng tôi nhận được 800 đơn hàng, tăng gấp đôi so với dịp khuyến mãi tương tự vào tháng trước" - ông Quang kể.
Theo ông Nguyễn Nhất Duy, Trưởng Ban Truyền thông iPrice Việt Nam, logistics là yếu tố quan trọng quyết định thành công của sàn cũng như nhà bán hàng. Khâu này phụ thuộc vào việc sử dụng hiệu quả công nghệ dữ liệu và nguồn nhân lực hỗ trợ.
Sử dụng robot cộng tác
Đưa robot vào các công đoạn của bán lẻ trực tuyến đã được ứng dụng khá phổ biến ở Trung Quốc, Mỹ, song Việt Nam mới chỉ ghi nhận một sàn TMĐT triển khai gần đây là Tiki. Từ tháng 7-2021, TikiNOW Smart Logistics chính thức ứng dụng robot vào Trung tâm Vận hành ở huyện Nhà Bè (TP HCM) và sẽ nhân rộng sang tất cả trung tâm vận hành trong tương lai. Chưa hết, công ty bán lẻ trực tuyến này còn đang lên kế hoạch đầu tư robot lấy hàng trực tiếp từ kho lạnh nhằm giúp nhân viên hạn chế tiếp xúc với nhiệt độ thấp có hại cho sức khỏe.
"Việc tiên phong đưa robot vào khâu kho vận tại Việt Nam chỉ là bước khởi đầu. Chúng tôi đặt mục tiêu tiến tới tự động hóa hoàn toàn dây chuyền vận hành quản lý kho hiện đại nhất thông qua sự hỗ trợ từ công nghệ" - ông Thomas Harris, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Vận hành tại Tiki, nói.
Đại diện Tiki cho biết mỗi robot có nhiệm vụ di chuyển các kệ hàng thông minh một cách trình tự, khoa học và chính xác nhờ hệ thống mã vạch trên sàn nhà. Điểm đặc biệt của những robot này là chúng được trang bị cảm biến để tránh đụng nhau hay va phải chướng ngại vật. Khi đến đúng địa điểm, robot sẽ tự động di chuyển xuống dưới kệ hàng, nâng kệ và mang đến vị trí người điều phối. Khi pin chuẩn bị yếu, robot tự động trở về vị trí sạc để tự sạc.
"Robot cộng tác (collaborative robot) của chúng tôi không thay thế nhân công mà làm việc, tương tác, hỗ trợ con người trong các nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm và có tính chất lặp đi lặp lại. Thay vì phải đi bộ nhiều cây số mỗi ngày để lấy và tìm kiếm hàng hóa trên kệ, nhân viên chỉ cần đứng tại trạm điều khiển và ấn nút lệnh, robot sẽ hỗ trợ khuân vác vật nặng, vận chuyển đến tay đội ngũ vận hành. Nhờ sự hỗ trợ của robot, con người có thể tập trung vào các công việc phức tạp hơn" - đại diện Tiki cho hay.
Không tiết lộ thông tin cụ thể song một công ty TMĐT khác cũng cho biết đang trong quá trình đầu tư để tăng cường tự động hóa, đưa công nghệ tiên tiến vào vận hành và lưu trữ tại Việt Nam để không bị hụt hơi trong cuộc đua về tốc độ giao hàng.
Cơ hội "vàng" đầu tư vào logistics
Các chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT nhận định sự bùng nổ của TMĐT đã thúc đẩy logistics phát triển. Ngược lại, đầu tư logistics lâu dài được xem như "sự đầu tư cho tương lai" của TMĐT. Đó là lý do khiến nhiều công ty bán lẻ không ngại "rót tiền" vào mảng kho bãi, giao vận. Các DN ngoài lĩnh vực TMĐT cũng có thể chớp cơ hội "vàng" để mạnh dạn đầu tư vào logistics, hướng tới hợp tác, phục vụ ngành bán lẻ trực tuyến.