Trong làng mai cổ, cây mai có tên gọi "Tuệ Sâm" thuộc sở hữu của anh Vũ Đức Đông (Sa Đéc, Đồng Tháp) vô cùng đặc biệt, không chỉ ở tuổi đời, sự độc đáo trên thân cây mà còn ở 5 kỷ lục mà "Tuệ Sâm" được công nhận.
Nhiều năm trước, ông Đông mua được cây mai trăm năm tuổi này lúc còn nguyên thủy ở Vĩnh Long. Mua về, ông chỉ đặt cây mai này trong khuôn viên vườn nhà, sau đó có tham khảo nhiều người trong làng cây cách tạo thêm sự độc đáo cho chậu cảnh.
Cây mai mà ông Đông có cao khoảng 2m; hoành đế rộng 3m, cành lá mọc lên từ dưới phần rễ trần có hình dáng như thân rồng uốn lượn rất đẹp. Đặc biệt, trên bệ thân mẹ mọc ra một nhánh mà chủ nhân của cây mai thường ví von với hình tượng "Lão mai sinh quý tử".
Tuy nhiên, thân cây lại có một vết sẹo – trở thành khuyết điểm làm mất đi giá trị của cây. Ngẫm nghĩ 1 thời gian, người nghệ nhân quyết định gọi hoạ sĩ và thợ đến xem, vẽ và ghép tên của hai vị thân sinh là "Tuệ - Sâm" dưới dạng thư pháp nổi lên thân cây. Mất 5 ngày và 9 chỉ vàng SJC, phần chữ trên cây được hoàn thành và trở thành nét chấm phá độc bản cho cây mai cổ.
Cũng theo đại gia này, từng chi và tàn của cây mai chưa qua bàn tay chỉnh sửa của con người. Với kiểu dáng lạ và độc đáo, một số người đam mê mai vàng đến trả giá khoảng 2 tỉ đồng nhưng ông không bán.
Năm 2020, cây mai này xác lập Kỷ lục Việt Nam với tên gọi "Cây mai vàng lâu năm dát vàng hai chữ "Tuệ Sâm" trên gốc đạt Kỷ lục Độc bản Việt Nam".
Ngoài ra, cây mai Tuệ Sâm này còn được Tổ chức Kỷ lục Đông Dương xác lập Kỷ lục với tên gọi "Người sở hữu cây mai lâu năm có thân dát vàng SJC 9999 khắc chữ thư pháp "Tuệ Sâm" đạt giá trị độc bản tại Đông Dương".
Chủ nhân "lão mai" hiếm có còn tiết lộ thêm cây mai dát vàng của mình vừa xác lập kỷ lục Thế giới chờ ngày trao bằng chứng nhận.
Đây không phải lần đầu việc dát vàng lên cây được các nghệ nhân sử dụng, tạo thành các chậu cây cảnh độc bản. Dù rằng, vẫn có những ý kiến trái chiều về việc dát vàng lên cây, nhưng không phủ nhận khả năng lôi kéo sự chú ý khi cây cảnh được "đeo" trang sức theo 1 cách riêng.
Anh Trần Quốc Việt (42 tuổi, ngụ tại phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) từng khắc hình tượng Phúc- Lộc - Thọ lên các cây khế, mận, đồng thời dát vàng phần thân gốc.
Người đàn ông 42 tuổi bày tỏ, trước khi chạm khắc và dát vàng, anh dùng hóa chất làm chết các tế bào bên ngoài cây. Vàng "non" được dùng để dát lên các hình khắc trên cây, mỗi cây dát từ 1 - 2 lần.
Thực tế kinh phí cho việc dát vàng không đáng bao nhiêu chủ yếu là nắm được bí quyết làm chết lớp tế bào bên ngoài cây và làm sao cho vàng "non" có độ bóng, óng ánh đẹp nhất.
Hồi tháng 8/2018, giới chơi cây cảnh xôn xao về tác phẩm cây sanh cổ có tên Đại Thế Vân Tùng cũng được dát vàng, nhưng không phải dát lên thân cây mà ở phần chậu. Khi đó, cây cảnh có chậu dát vàng này được trả giá 15 tỷ đồng, nhưng chủ nhân không bán.
(Nguồn ảnh: Người lao động, kỷ lục VN, Lao động)
Doanh nghiệp & Tiếp thị