Với số ca nhiễm mới là 3,143, tổng số ca nhiễm ở Trung Quốc đã vượt hơn 31,161. Tỉnh Hồ Bắc, trung tâm dịch bệnh, có thêm 69 người chết trong ngày 6-2. Số ca nhiễm mới trong ngày tại tỉnh Hồ Bắc là 2.447, giảm so với 2.987 ca của ngày 5-2.
Với số ca nhiễm và tử vong mới được tỉnh Hồ Bắc thông báo, tính đến 6h40 ngày 7-2, toàn thế giới có ít nhất 635 ca tử vong và 30.850 ca nhiễm.
Các bệnh nhân bên trong một bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc ngày 6-2 – Ảnh: REUTERS
|
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 6-2 cho biết vẫn còn quá sớm để nhận định dịch bệnh tại Trung Quốc đã đạt đến đỉnh điểm sau khi số ca nhiễm mới tiếp tục giảm trong ngày 5-2.
Trong nỗ lực trấn an người dân Trung Quốc và dư luận quốc tế, phát biểu trong cuộc điện đàm với nhà vua Salman của Saudi Arabia hôm 6/2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định nước này đủ khả năng đánh bại virus corona.
Trong một diễn biến khác, bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong 8 người cảnh báo sớm về sự nguy hiểm của virus corona, đã qua đời tại một bệnh viện ở thành phố Vũ Hán.
Ông Lý là một trong số 8 người đầu tiên đã cố gắng cảnh báo các cơ quan chức năng và cộng đồng y tế về một loài virus nguy hiểm mà ông tin là SARS.
Vào ngày 30/12/2019, ông đăng một đoạn phân tích mã gen RNA cho thấy virus corona SARS và các vi khuẩn lưu trú trên khắp đường thở của một bệnh nhân đang được cách ly tại bệnh viện của ông.
Ngay trong đêm, các quan chức y tế thành phố Vũ Hán gọi bác sĩ Lý tới, hỏi vì sao ông đã chia sẻ thông tin đó. Ba ngày sau, ông Lý buộc phải ký giấy thừa nhận đó là hành vi phạm pháp.
Đến ngày 1/1, công an Vũ Hán đã triệu tập ông Lý cùng 7 người khác vì cho rằng họ lan truyền "tin đồn" về việc các bệnh viện ở Vũ Hán đang tiếp nhận các ca bệnh giống SARS. Tất cả 8 người bị triệu tập đều là bác sĩ.
Vào cuối tháng 1, giữa lúc virus corona đã bùng phát, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc đưa ra một tuyên bố bất thường cảnh cáo cảnh sát Vũ Hán vì đã bắt giữ 8 nhà khoa học nói trên. Đây được cho là một sự giải oan cho ông Li cùng các đồng nghiệp.