Trao đổi tại hội thảo Truyền thông và Thương hiệu doanh nghiệp thời đại số do báo Tiền Phong tổ chức tại TP HCM sáng 23-7, nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong, nhìn nhận truyền thông kỹ thuật số trong thời đại 4.0 tạo ra nhiều cơ hội, nhưng đi kèm với đó là không ít những thách thức.
Cụ thể, ông Sơn cho rằng việc phát triển truyền thông kỹ thuật số đã tạo ra dòng thác thông tin với nhiều cơ hội, khiến chúng ta nắm bắt nhiều thông tin nhanh hơn, tiện lợi hơn nhưng vẫn có nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, đã tạo ra thách thức cho nhiều doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số đơn vị truyền thông thông tin thiếu cân nhắc, kiểm chứng gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, có khi không phải vô tình mà là cố ý. "Doanh nghiệp mất nhiều năm để xây dựng thương hiệu; nhưng chỉ cần qua một khủng hoảng truyền thông là có thể phá sản chỉ trong thời gian ngắn"- ông Sơn nói.
Ông Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong (đứng) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TẤN THẠNH
Chia sẻ thực trạng này, TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, cho rằng đối với báo chí, việc thông tin nhanh-hay-chính xác là rất cần thiết và đó là tiêu chí hết sức quan trọng của nghề nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh như hiện nay, báo chí cần có thêm 2 tiêu chí: một là thông tin có Trách nhiệm; hai là nhân văn.
Theo ông Tuân, trong bối cảnh khoa học – kỹ thuật phát triển mạnh mẽ, nhất là mạng internet toàn cầu đã tạo nên sự thay đổi lớn trong lĩnh vực truyền thông trong những năm qua, việc thông tin sai lệch, tin giả (Fake news)…có thể gây tổn thương, thậm chí hủy hoại thương hiệu của doanh nghiệp. Để xây dựng và phát triển thương hiệu, hầu hết các doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền của nhưng những giá trị thương hiệu đó có thể bị đè bẹp, thậm chí xóa sổ trước làn sóng thông tin trong kỷ nguyên số.
Theo TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, trong bối cảnh hiện nay, báo chí cần có thêm 2 tiêu chí: một là thông tin có Trách nhiệm; hai là nhân văn. Ảnh: TẤN THẠNH
"Sự thay đổi về phương thức truyền thông trong thời đại số tạo ra rất nhiều thách thức nhưng cũng có không ít cơ hội cho cả cơ quan báo chí lẫn doanh nghiệp" – ông Tuân nêu thực tế và nói thêm, để đáp ứng với tình hình mới, trong thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí đã chuyển dần sang đầu tư, nâng cấp báo điện tử, phát triển truyền thông đa phương tiện. Từ chỗ e dè với mạng xã hội, không ít cơ quan báo chí ngày nay đã sử dụng mạng xã hội như một kênh quảng bá, mở rộng ảnh hưởng và nâng tầm thương hiệu. Đó cũng là phương thức khá hiệu quả để truyền thông, phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp trong kỷ nguyên số.
Theo ông Tuân, doanh nghiệp-doanh nhân ngày càng có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Đại đa số họ là những tổ chức, cá nhân đang miệt mài ngày đêm, lao động cật lực để làm giàu cho bản thân và cho đất nước. Điều đó hoàn toàn khác xa với hình ảnh những ông giám đốc mặt mày ngênh ngang, bước ra từ những chiếc xe siêu sang bóng lộn, cặp kè với các cô gái chân dài, ăn chơi trác táng…
Doanh nghiệp, doanh nhân ngày nay phần lớn là những tổ chức, cá nhân có khát vọng vươn lên làm giàu, tiếp thu công nghệ mới, chinh phục những đỉnh cao. Những thành quả tốt đẹp mà doanh nghiệp-doanh nhân Việt Nam mang lại cho đất nước rất cần được truyền thông-báo chí và cả xã hội tôn vinh. Vì vậy, báo chí-truyền thông và các doanh nghiệp-doanh nhân không phải là đối thủ mà nên là những người bạn đồng hành trên con đường đi tới tương lai. Cổ nhân có câu: "Muốn đi nhanh thì đi một mình; muốn đi xa thì đi cùng nhau". Trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay, "đi nhanh" là chưa đủ mà phải là "đi xa".
"Báo chí-truyền thông và doanh nghiệp-doanh nhân cần tăng cường chia sẻ, trao đổi để hiểu nhau nhiều hơn. Đồng thời đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển; cùng đóng góp vào quá trình xây dựng đất nước" - ông Tuân nói.
Thanh Nhân/NLĐ