Ngày 7/10, UBND TP Cần Thơ đã công nhận 33 sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao. Đây là những sản phẩm OCOP được hội đồng của Cần Thơ đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã và tính đặc trưng của từng địa phương trên địa bàn.
Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được địa phương triển khai đến các quận, huyện. Hiện nay, đã có nhiều sản phẩm khẳng định được thương hiệu và được người tiêu dùng đón nhận. Những sản phẩm OCOP đã chinh phục được người tiêu dùng vì mẫu mã sản phẩm bắt mắt, chất lượng được đảm bảo và được bảo vệ bởi sở hữu trí tuệ.
Đến thời điểm này, Cần Thơ đã có 74 sản phẩm OCOP gồm 50 sản phẩm 4 sao và 24 sản phẩm 3 sao của các cơ sở sản xuất, DN, hộ dân và HTX, trong đó có 2 sản phẩm có tiềm năng 5 sao trong thời gian tới.
Là thành viên trong HTX Tịnh Thắng mới được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, ông Nguyễn Văn Nghĩa, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ cho biết, sản phẩm na Thái của HTX được công nhận OCOP 3 sao sẽ tạo điều kiện để sản phẩm bước chân vào các siêu thị, cửa hàng tiện ích trong thời gian tới. Đây là mong ước của các thành viên trong HTX vì diện tích trồng na Thái của hợp tác xã khoảng 16 ha, với sản lượng hàng năm rất lớn nên rất khó khăn về đầu ra.
Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, khi chưa được công nhận OCOP, sản phẩm làm ra chủ yếu bán cho thương lái, giá cả bấp bênh. Khi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sẽ là bước đệm để hợp tác xã đưa nông sản của mình đến gần hơn người tiêu dùng và khẳng định được thương hiệu.
“Mong muốn của HTX có đầu ra sản phẩm ổn định với chi phí đầu vào thấp để nông dân có lợi nhuận hơn. Trước đây sản phẩm chủ yếu vẫn được bán cho thương lái, chưa có siêu thị hoặc cơ sở uy tín thu mua, khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao và đang phấn đấu lên 4 vẫn cần cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm”, ông Nghĩa chia sẻ.
Những sản phẩm OCOP của Cần Thơ đã vào các siêu và trên các sàn thương mại điện tử, từ đó chinh phục được người tiêu dùng bằng những sản phẩm đặc trưng của từng địa phương.
Ông Lê Văn Tính, Phó Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới TP Cần Thơ cho rằng, 74 sản phẩm được công nhận chuẩn OCOP tăng hơn 22% so với trước khi được công nhận, từ đó giúp lợi nhuận của những sản phẩm này tăng gần 18% là một sự hấp dẫn trong tiêu chuẩn kinh doanh.
Một trong những hướng đi quan trọng của ngành nông nghiệp Cần Thơ là sẽ tiếp tục tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho biết, công tác chuyển đổi số sẽ được Sở hướng dẫn bà con để đăng sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử, hướng dẫn bà con ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, biết sử dụng các app hướng dẫn, truy xuất, quản lý mã vùng trồng, đăng ký mã vùng trồng…
Đến nay, hơn 17.800 hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Cần Thơ giới thiệu trên 200 sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Cần Thơ sẽ thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp bằng hình thức trực tuyến, thúc đẩy phát triển kinh tế số và tổ chức các lớp tập huấn cho các DN, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ dân nhằm đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, khẳng định hơn nữa sản phẩm nông sản của Cần Thơ./.