Ngày 17-5 vừa qua, tại San Francisco, bang California - Mỹ, với sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công du Mỹ, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Công ty Cisco (Mỹ) đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác thiết kế, đưa ra thị trường gói giải pháp chuyển đổi số linh hoạt, phù hợp, đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp ở Việt Nam.
Hỗ trợ điều trị từ xa hiệu quả cho bệnh nhân
Theo nội dung hợp tác, VNPT cùng Cisco cũng sẽ phối hợp trong việc nghiên cứu phát triển mạng lõi 5G để quản lý và triển khai các ứng dụng kết nối 5G tốc độ cao, độ trễ thấp, an toàn an ninh…, giúp doanh nghiệp Việt Nam có đủ điều kiện kết nối, đạt được mục tiêu chuyển đổi số.
Theo giới chuyên môn, công nghệ 5G không phải là bản nâng cấp đơn thuần của 4G để tăng tốc độ kết nối mà được phát triển cho những yêu cầu mới trong kỷ nguyên kết nối toàn diện. Với băng thông rộng, tốc độ nhanh, độ trễ cực thấp, bảo mật cao…, 5G có thể kết nối cùng lúc nhiều thiết bị.
Tốc độ 5G của nhà mạng Vinaphone tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình đạt 900 Mbps -1 Gbps .Ảnh: VNPT
Tại buổi khai trương thử nghiệm thương mại mạng 5G ở TP HCM và Hà Nội 2 năm trước, VNPT đã nhấn mạnh: "5G sẽ mang đến những bước tiến đột phá trong nhiều lĩnh vực khác như trí tuệ nhân tạo (AI), robotics, thành phố thông minh (smart city), vạn vật kết nối (IoT)... VNPT đã mở các showroom cho người dân 2 thành phố này có cơ hội trải nghiệm mạng 5G như các công nghệ thực tế ảo VR, AR; điều khiển người máy; xem video 8K; kết nối internet tại nhà với mạng 5G".
Mạng 5G chính là một sự thay thế cho mạng cáp quang để cung cấp kết nối internet tốc độ cao cho những nơi không thể kéo cáp quang như vùng sâu, vùng xa, hải đảo… Với các ưu thế của mình, đặc biệt là với độ trễ gần như bằng 0, kết nối 5G hữu dụng cho các ứng dụng kết nối để quản lý và điều khiển từ xa, như công nghệ người máy, xe tự hành…
Ngay trong thời gian cao điểm dịch Covid-19, nhiều nơi trên thế giới đã ứng dụng 5G để điều hành và điều trị cho các bệnh nhân từ xa. Bệnh viện Thông minh 5G đầu tiên ở Đông Nam Á ứng dụng công nghệ 5G của Huawei Technologies đã được khánh thành tại Bệnh viện Siriraj (Thái Lan) vào năm 2021. Bệnh viện này mang lại những trải nghiệm khám chữa bệnh hiệu quả và thuận tiện cho bệnh nhân bằng ứng dụng 5G, dữ liệu đám mây, AI…
Huawei và Bệnh viện Siriraj cũng đã thành lập Phòng Thí nghiệm đổi mới sáng tạo nhằm nghiên cứu thử nghiệm các ứng dụng 5G phục vụ người bệnh. Hai bên đã bắt đầu thử nghiệm 5G vào hộp y tế di động, xe không người lái, phương tiện y tế và giường bệnh thông minh. Dự kiến, Huawei sẽ đưa 30 ứng dụng y tế 5G vào vận hành trên toàn Thái Lan vào năm 2022.
Nền tảng tối ưu kết nối thông suốt
Nhờ có kết nối 5G, các phòng xét nghiệm di động trên container đang được Công ty Công nghệ MGI Tech (MGI) triển khai để góp phần kiểm soát và phòng ngừa Covid-19 ở Đông Nam Á khi đại dịch tiếp tục đặt ra một thách thức lớn đối với các hệ thống y tế cộng đồng trong khu vực.
MGI đã phát triển phòng xét nghiệm di động LSEA Champa, trung tâm xét nghiệm do bên thứ 3 lập nên đầu tiên ở Lào, để tăng cường khả năng xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng và chuẩn bị dần cho việc mở cửa trở lại vào năm 2022. MGI cho biết nhờ công nghệ giải trình tự thông lượng cao, phòng xét nghiệm container có thể hỗ trợ phòng ngừa và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm khác như sốt rét, sốt xuất huyết, lao… hoặc phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh, khối u và các bệnh liên quan sự rối loạn chức năng cơ thể.
4G tạo điều kiện triển khai công nghệ IoT, còn 5G đẩy nhanh tốc độ phủ IoT sâu rộng, đáp ứng cho công nghệ cao cấp AIoT. Hiện nay, nhiều thiết bị đã sử dụng IoT để phục vụ mọi lĩnh vực cuộc sống, từ các thiết bị trong ngôi nhà thông minh tới các thành phần trong nhà máy thông minh, smart city. Hãng công nghệ mạng và viễn thông Thụy Điển Ericsson đã tăng cường cung cấp IoT diện rộng, cùng với các giải pháp IoT băng thông rộng mới, được thiết kế để tận dụng những khả năng mới trên 4G và 5G - kết nối các nhà cung cấp dịch vụ để hỗ trợ số hóa ngành công nghiệp.
Các yêu cầu về đô thị thông minh, nhà máy thông minh, bệnh viện thông minh, xe tự hành, người máy… cần có một nền tảng kết nối rộng thoáng, thông suốt, nhanh, ổn định, không độ trễ, cho phép nhiều thiết bị kết nối cùng lúc, bảo mật cao. Yêu cầu càng cao hơn khi IoT được kết hợp với AI, máy học, dữ liệu lớn… Đó là những ưu thế của 5G so với 4G. Và đó cũng là giá trị thật sự để đầu tư phát triển công nghệ 5G.
Tốc độ 5G tại sân Mỹ Đình đạt 1Gbps
VNPT đã triển khai công nghệ 5G tại khu vực Sân vận động Mỹ Đình để phục vụ trận chung kết môn bóng đá nam SEA Games 31 giữa đội tuyển U23 Việt Nam và U23 Thái Lan ngày 22-5 với tốc độ đo tại hiện trường đạt 900 Mbps -1 Gbps. Ngoài ra, VNPT cũng đã dự trù các phương án trong trường hợp số lượng khán giả và nhu cầu tăng đột biến, đáp ứng hàng trăm ngàn người dùng di động tại sự kiện này.
Trước đó, trong những ngày diễn ra các trận bóng đá tại Sân vận động Thiên Trường và Việt Trì, lưu lượng thuê bao di động sử dụng dữ liệu và thoại (voice) tăng 30%-50%. Tại buổi lễ khai mạc ở Sân vân động Mỹ Đình, lưu lượng data và voice cũng đã tăng lên đến 90%. Dự kiến trận chung kết tới, lưu lượng di động (voice và data) sẽ còn tăng gấp nhiều lần.
M.Nhiên