Theo số liệu cập nhật của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 31/12/2018, cả nước có 4,24 triệu ví điện tử đã được xác thực, liên kết với tài khoản ngân hàng. Giao dịch mỗi năm qua ví điện tử đạt 60 triệu với giá trị bình quân đạt 200.000 đồng/giao dịch.
Theo dự báo của NHNN, số người sử dụng ví điện tử tại Việt Nam sẽ đạt 10 triệu người vào năm 2020, cho thấy dư địa phát triển của thị tường còn rất lớn. Trên thị trường, đang có tới 29 tổ chức không phải ngân hàng được cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với khoảng 23 ví điện tử, tuy nhiên độ phổ biến tới bộ phận lớn người dân thì chỉ được vài cái tên. Theo thống kê của Buzzmetrics, tính đến tháng 7/2018, thông qua khảo sát từ các thảo luận trên mạng xã hội, sự quan tâm của người dùng đang đổ dồn về 4 ông lớn là Ví Momo, ViettelPay, ZaloPay và AirPay.
Mặc dù đã có thị phần áp đảo trên thị trường, để cạnh tranh và tạo chỗ đứng vững chắc 4 nhà cung cấp ví điện tử trên đang miễn phần lớn các loại phí cho khách hàng, thậm chí mạnh tay khuyến mãi, chiết khấu. Tuy nhiên, không phải tất cả các dịch vụ đều được miễn phí.
Khảo sát biểu phí dịch vụ tại 4 nhà cung cấp ví điện tử Momo, ViettelPay, Zalo Pay, Airpay có sự tương đồng khi đều không thu phí phí thường niên hay bất kỳ loại phí định kỳ nào. Các loại phí mở tài khoản, phí thường niên, phí quản lý tài khoản, phí an toàn bảo mật tài khoản, phí truy vấn sao kê, phí hỗ trợ,…cũng đang được miễn. Đây cũng là sự khác biệt so với các ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, một số ví đã thu tiền ở dịch vụ nạp tiền, rút tiền, chuyển tiền; mức thu phí có sự khác biệt đáng kể.
ZaloPay và AirPay đang miễn phí tất cả các giao dịch nạp tiền, rút tiền. Tuy nhiên, chỉ nạp và rút tiền được từ các tài khoản ngân hàng liên kết.
Trong khi đó, Momo không chỉ áp dụng miễn phí nạp tiền tử nguồn tài khoản liên kết mà còn tại điểm nạp/ rút của ví. Nạp tiền từ những ngân hàng chưa liên kết trực tiếp với ví Momo thì chịu phí 1.800 đồng + 1,12% giá trị giao dịch mỗi lần nạp. Với giao dịch rút tiền từ tài khoản liên kết chỉ được miễn phí 3 lần/tháng. Ngoài ra, rút tiền bằng cách hình thức khác đều phải chịu phí, số tiền càng lớn phí càng cao.
Biểu phí của ViettelPay chia theo giá trị khoản tiền nạp. Nạp tiền từ thẻ ATM của MB và BaoVietBank được miễn phí hoàn toàn. Trong khi đó, nạp tiền từ tài khoản ngân hàng khác chỉ được miễn phí khi nạp dưới 50 triệu/tháng; trên 50 triệu thu phí 0,55% giá trị giao dịch. ViettelPay hiện chỉ cho phép rút tiền mặt tại điểm giao dịch, miễn phí với số tiền dưới 50 triệu/tháng, trên 50 triệu/tháng sẽ chịu phí 0,4%, tối thiểu 9.000 đồng/giao dịch.
Với dịch vụ chuyển tiền, ViettelPay có lợi thế mạng lưới rộng lớn khắp các tỉnh thành cho phép chuyển tiền mặt nhận tại quầy và nhận tiền mặt tại địa phương với mức phí từ 9.000-35.000 đồng (có phụ phí nếu nhận tiền mặt tận nơi).
Có thể thấy, biểu phí của Momo và ViettelPay chi tiết hơn với nhiều hình thức đa dạng và đã thu phí một số dịch vụ mà ZaloPay và Airpay đang chấp nhận không thu phí. Trong khi Momo và ViettelPay đã có hàng trăm hàng nghìn quầy, điểm giao dịch thì ZaloPay và AirPay chưa triển khai được.
Theo thông tin mới đây, Ngân hàng Nhà nước sẽ bãi bỏ quy định về hạn mức giao dịch ngày của cá nhân tại dự thảo Thông tư số 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán. Tuy nhiên, hạn mức giao dịch của cá nhân/tháng vẫn sẽ bị khống chế ở mức 100 triệu đồng/ cá nhân/ tháng.
Trước khi dự thảo thông tư được áp dụng chính thức, nhiều ví điện tử hiện nay đang áp dụng hạn mức cao hơn so với con số 100 triệu đồng/tháng do cơ quan quản lý đề xuất. Như vậy, khi áp dụng chính thức dự thảo thông tư, không ngoài khả năng các nhà cung cấp ví điện tử sẽ phải điều chỉnh lại biểu phí để phù hợp hơn.
Theo Nhịp sống kinh tế