Tại hội thảo "Nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất" diễn ra ở TP HCM ngày 21-5, lãnh đạo Sở Xây dựng TP HCM cho biết TP hiện có tổng cộng 34 dự án xây dựng nhà lưu trú dành cho công nhân đã hoàn thành, với 5.514 phòng, đáp ứng gần 39.400 chỗ ở. Kế hoạch từ nay đến năm 2020, TP tiếp tục thực hiện 19 dự án nhà ở xã hội nữa để phục vụ công nhân.
Trong khi đó, ông Trần Công Khanh, Trưởng phòng Quản lý lao động, Ban quản lý các khu công nghiệp TP HCM (Hepza), cho biết nhu cầu chỗ ở của công nhân trên địa bàn TP rất lớn. Hiện TP có tới khoảng 260.000 công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất nhưng mới chỉ có 12 khu nhà lưu trú nên hầu hết phải ở trọ với điều kiện sống chưa bảo đảm.
Theo ông Khanh, vướng mắc lớn cản trở việc phát triển nhà ở cho công nhân là quỹ đất chưa có. Vì theo quy định hiện nay, quỹ đất xây dựng nhà lưu trú phải nằm ngoài ranh khu công nghiệp, nếu muốn xây nhà lưu trú cho công nhân phải đầu tư quỹ đất gần nơi làm việc. Do đó, ông đề nghị TP phải có chiến lược phát triển quỹ đất, đồng thời có cơ chế hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp đầu tư nhà ở cho công nhân.
Dự án nhà ở cho công nhân ở Long An vừa hoàn thành
Từng gắn bó với nhà cho người thu nhập thấp nhiều năm qua, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, nhận xét các thủ tục, quy chuẩn về xây dựng nhà ở, nhà lưu trú cho công nhân hiện nay quá cứng nhắc, chưa có sự linh hoạt để tháo gỡ cũng như huy động nguồn lực xã hội tham gia. "Thủ tục thủ tục xây dựng nhà ở dành cho người thu nhập thấp còn khó hơn nhà ở thương mại. Đến khi xin xong thủ tục, doanh nghiệp không còn muốn xây nhà cho người nghèo nữa vì lợi nhuận ít và rủi ro quá nhiều" - ông Đực nêu thực tế.
Dẫn chứng điều này, ông Trần Đức Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Trần Anh Group, cho biết vừa qua công ty ông đầu tư 800 căn nhà ở cho công nhân ở tỉnh Long An gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính. Địa phương yêu cầu phải có đất sạch, rồi quy định nếu không có PCCC sẽ không được cấp giấy phép xây dựng... "PCCC dành cho nhà ở công nhân mà đòi như nhà ở thương mại làm sao chúng tôi có khả năng đầu tư. Ban đầu chúng tôi dự tính làm 10.000 căn nhưng cuối cùng chỉ làm được 800 căn"- ông Trần Vinh chia sẻ.
Ông Trần Quốc Đạt, Phó trưởng Phòng Phát triển nhà ở thuộc Sở Xây dựng TP HCM, thừa nhận quỹ đất là một vấn đề khó với TP. Hiện quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân chủ yếu do các doanh nghiệp tự nỗ lực xoay xở.
Đại diện Sở Xây dựng khẳng định luôn quan tâm, đề xuất nhiều chính sách về thuế, lãi suất, tạo lập quỹ đất để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân. Tuy vậy, vẫn tồn tại nhiều khó khăn về thủ tục, tài chính khiến doanh nghiệp quan tâm nhưng chưa thể tham gia được nhiều.