Không chỉ là một doanh nhân thành đạt với nhiều cống hiến lớn lao cho việc mở cửa hàng không đưa đất nước bước đầu hội nhập thế giới 35 năm về trước, mà “Vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn còn luôn hướng về biển đảo quê hương, với nhiều hoạt động thiết thực.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn được biết đến là một trong những doanh nhân Việt Kiều yêu nước tiên phong quay về đầu tư, góp phần xây dựng đất nước. Sau 35 năm trôi qua, giờ đây ông có thể tự hào về bề dày thành tích của mình với những sự ghi nhận đặc biệt của Đảng và Nhà nước về những thành tựu ông đóng góp cho đất nước.
Trong một buổi gặp gỡ cùng phóng viên ngay tại văn phòng trên đường Đồng Khởi, ông có dịp chia sẻ về câu chuyện của 35 năm trước: “Một buổi sáng năm 1984, lúc đó tôi đang ở Mỹ thì đột nhiên nhận được cuộc điện thoại từ một quan chức cao cấp của Việt Nam (VN) mời tôi về thăm quê hương. Niềm vui sướng trào dâng
của một người con xa xứ đằng đẵng cả chục năm đã khiến tôi nhận lời mời ngay lập tức. Khi đó tôi chỉ suy nghĩ đơn giản là muốn được trở về thăm quê hương, đất nước.
Về VN, tôi được đưa đến gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tại buổi trò chuyện, ngài Thủ tướng đã trao cho tôi một nhiệm vụ quan trọng, đó là mở đường bay quốc tế kết nối với nhiều quốc gia, trong đó có các nước phương Tây”.
Tiếp nhận điều này ở tuổi 34, ông cho rằng mình còn quá trẻ để thực hiện nhiệm vụ lớn như vậy nhưng đồng thời cũng là một niềm tự hào vô cùng lớn. Ông cảm nhận được sự quan trọng đằng sau quyết định đó của Thủ tướng và tự nhủ lòng sẽ nỗ lực hết sức để hoàn thành nhiệm vụ này.
Ông chia sẻ thêm: “Một lý do nữa thôi thúc tôi nhận nhiệm vụ là vì khi trở về VN, nhìn từ trên máy bay xuống, tôi thấy những ngôi nhà mái tôn cũ kỹ toát lên vẻ nghèo nàn, xác xơ, những vết tích chiến tranh vẫn còn hiện diện. Tôi đi thăm một vòng TP thì quán xá, hàng ăn uống rất hiếm. Đến 18 giờ, TP chìm trong bóng tối vì hồi đó điện cúp liên miên. Nhìn thấy nền kinh tế nước ta khi ấy còn chật vật, khó khăn quá, trong lòng tôi có một sự thôi thúc phải làm gì đó để đóng góp cho đất nước”.
Chỉ hơn một năm sau, ông đã bước đầu hoàn thành sứ mệnh do Thủ tướng Phạm Văn Đồng giao phó. Ngày 4-9-1985, đường bay quốc tế VN - Philippines được Tổng thống Philippines Marcos phê duyệt. Và năm ngày sau, ngày 9-9-1985, VN đã thực hiện chuyến bay đầu tiên đến Philippines, mở toang một cánh cửa đầy hứa hẹn và nhiều tiềm năng cho đất nước.
Năm 1986, tại Đại hội Đảng lần thứ VI, VN công bố thực hiện công cuộc đổi mới nền kinh tế đất nước. Trong suy nghĩ của tôi, việc mở đường bay mới cùng với cuộc đổi mới đất nước đã mở ra rất nhiều cơ hội mới cho VN, mà đầu tiên đất nước bắt đầu đón nhận làn sóng đầu tư của nước ngoài và tiến đến hội nhập kinh tế quốc tế.
Thành công tiếp nối những thành công, thành tích và cống hiến của “Vua hàng hiệu” ngày càng nhiều cho đất nước. Mặt khác, ông cũng được xem là nhịp cầu nối vững chắc kết nối giới thiệu nhiều doanh nhân Việt kiều về đầu tư, xây dựng đất nước.
Song hành cùng những thành công trên thương trường, miệt mài cống hiến cho đất nước, doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn cũng luôn trăn trở với nhiều hoạt động cộng đồng, ý nghĩa. Đặc biệt là tin tưởng thế hệ tương lai, dựng xây đất nước. Và một trong số đó, phải kể đến quỹ học bổng Vừ A Dính.
Ônh chia sẻ: “Nhiều năm qua Quỹ học bổng Vừ A Dính đã có các hoạt động rất có ý nghĩa về chính trị, xã hội và đóng góp của bà con Việt kiều các nước vào quỹ này không hề nhỏ. Thông qua chủ tịch quỹ là bà Trương Mỹ Hoa (nguyên Phó Chủ tịch nước, hiện cũng là chủ nhiệm CLB Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu), Quỹ Vừ A Dính đã trở thành một trong những cầu nối giữa VN với bà con kiều bào, doanh nhân Việt kiều. Nhờ cái tâm luôn vì đất nước, vì biển đảo quê hương nên bà Trương Mỹ Hoa mỗi khi nói đến Quỹ học bổng Vừ A Dính, nói đến CLB Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu đều nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ kiều bào các nước”.
Johnathan Hạnh Nguyễn dành nhiều tình cảm với những hoạt động hướng về biển đảo quê hương: “Tôi đã từng nhiều lần ra thăm chiến sĩ ở các đảo tại quần đảo Trường Sa, hiện nay tôi là phó chủ nhiệm CLB Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu. Khi quỹ vận động kinh phí xây trường học tại các đảo Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, lúc đầu ai cũng e ngại sẽ khó đạt được. Thế nhưng thực tế kết quả đạt được đã vượt kỳ vọng. Giờ đây, con em người dân trên các đảo này đã có những ngôi trường khang trang”. Có thể nói đây là nhựng sự đóng góp tâm huyết và tuyệt vời của ông khi góp phần dựng xây đất nước, một lòng hướng về biển đảo quê hương.
Thành Trung