Chị Hoài Thu (quận 1, TP HCM) chưa kịp vui mừng vì có thể đặt mua hàng online từ các địa chỉ người bán ở khác quận thì lại thất vọng vì cả ngày 17-9, chị gần như không đặt hàng được.
"Trên ứng dụng, khi thì thông báo không tìm được tài xế, khi thì thông báo cửa hàng bận nên sẽ kéo dài thời gian phục vụ. Đơn hàng liên tục bị hủy hoặc chuyển sang trạng thái "đang tìm tài xế". Chưa kể, phí giao hàng 30.000 đồng cho quãng đường 0,8km là quá cao" - chị Thu than phiền.
Đối với các đơn hàng giao chậm trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Tiki, Sendo…, không ít khách hàng phải đợi từ 1-1,5 tháng mới nhận được hàng. Thậm chí, nhiều đơn hàng "nằm im" cả tháng vẫn chưa thể bàn giao cho bên vận chuyển bởi nhà kho hoặc nhà bán nằm trong khu phong tỏa hoặc khu vực hạn chế đi lại.
Nhiều tài xế có mặt tại điểm xét nghiệm từ sáng sớm để thực hiện test nhanh Covid-19 nhưng vẫn phải liên tục cập nhật xem tên mình có xuất hiện trong danh sách được xét nghiệm hay không Ảnh: H.Dương
Trong khi đó, nhiều shipper phản ánh gặp trục trặc liên quan đến danh sách shipper được phê duyệt, thông tin đăng tải trên cổng tra cứu. Anh H.D.Đức (shipper khu vực quận 5) cho hay ngày 16-9, tên anh vẫn còn xuất hiện trên cổng thông tin tra cứu shipper của Sở Công Thương nhưng đến sáng 17-9, khi vào kiểm tra lần nữa, anh nhận được kết quả trả về là "không tìm thấy thông tin nhân viên". Do vậy, anh phải tạm dừng hoạt động cho đến khi nhận được danh sách tài xế cập nhật mới nhất từ sở.
Anh T.T.Quốc (shipper ở quận 7) thì rơi vào trường hợp không có tên trong danh sách mà UBND phường gửi đến trạm y tế lưu động tại khu vực để test nhanh Covid-19, dù trước đó đã được Sở Công Thương cấp phép hoạt động. Như vậy, anh không đủ điều kiện để giao hàng nội quận lẫn liên quận.
"Không riêng tôi, nhiều shipper cũng phải ngậm ngùi tắt app dù rất muốn được hoạt động để bảo đảm cuộc sống cho gia đình. Tình trạng thiếu shipper, người dùng khó đặt đơn hàng là rất dễ hiểu" - anh Quốc cho hay.
Về phía các công ty giao nhận công nghệ, sàn thương mại điện tử, hầu hết đều cho biết đã rất nỗ lực chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết cho shipper để lưu thông song vẫn chưa thể cải thiện tiến độ giao hàng.
Đại diện Shopee cho biết đã nhanh chóng cập nhật danh sách tài xế với Sở Công Thương để tạo điều kiện cho tài xế được phép hoạt động theo chỉ thị mới nhất. Các đơn vị vận chuyển khác như ShopeeExpress, GHTK, GHN, J&T, AhaMove... cũng đang nỗ lực triển khai tiêm vắc-xin cho toàn bộ nhân viên vận hành, hướng đến mục tiêu đảm bảo lưu thông hàng hóa an toàn và nhanh chóng. Trên Fanpage chính thức của J&T Express, đơn vị này cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự thông cảm của khách hàng trước các vấn đề phát sinh trong quá trình giao vận.
Một công ty giao nhận khác cho biết đã tăng lượng đăng ký shipper được hoạt động với Sở Công Thương lên mức bằng 70% số lượng trước giãn cách nhưng vẫn cần chờ để sở phê duyệt, cập nhật lên hệ thống hoặc hướng dẫn thêm. Còn hiện nay, số lượng shipper được phê duyệt khó lòng đáp ứng được nhu cầu giao hàng liên quận.
"Dự kiến, đơn hàng mỗi ngày sẽ tăng 30%-40% so với giai đoạn từ 23-8 đến 15-9, song đơn hoàn thành sẽ thấp hơn do chưa nhiều tài xế có thể hoạt động trở lại, việc di chuyển khó khăn do còn nhiều điểm phong tỏa, chốt chặn…" - hãng công nghệ này thông tin.
Các hãng công nghệ và doanh nghiệp thương mại điện tử đều bày tỏ mong muốn các sở, ban, ngành xem xét đề xuất tăng số lượng shipper hoạt động; bổ sung danh sách tiêm vắc-xin cho tài xế nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng liền mạch.
Theo Người lao động