Theo các chuyên gia dự báo, nguồn cung bất động sản (BĐS) tại TP.HCM sẽ tiếp tục khan hiếm ở những tháng cuối năm 2019, thế nên những thị trường vệ tinh còn thiếu các dự án BĐS, cơ sở hạ tầng chưa phát triển…nhưng còn quỹ đất rộng, dư địa tăng giá lớn và có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai đang là “điểm đến” hút dòng tiền đầu tư, đặc biệt là các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Ngoài thị trường “gạo cội” Kiên Giang và Cần Thơ, các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Cà Mau… đang được xem là những “vùng đất mới” nhiều tiềm năng để phát triển BĐS. Làn sóng dịch chuyển của các chủ đầu tư lẫn nhà đầu tư cá nhân ngày càng rõ nét đến các thị trường nơi đây. Đâu là lý do khiến sự dịch chuyển này ngày càng mạnh mẽ.
Vùng đất đón nhận dòng vốn đầu tư mạnh mẽ
ĐBSCL chiếm 19% dân số cả nước, đóng góp tới 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây cả nước. Khu vực này cũng chiếm 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu…Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, vốn đầu tư công kế hoạch trung hạn tại ĐBSCL giai đoạn 2016-2020 (chưa gồm 10% dự phòng) là gần 194.000 tỷ đồng - chiếm 16,53% cả nước, chủ yếu đầu tư cho nông nghiệp, giao thông và y tế.
Chiều 18/6, tại Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm triển khai Nghị quyết 120 của Chính phủ về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chấp thuận đề xuất dành 45.000 tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD) dành để tháo gỡ các điểm nghẽn về hạ tầng, giao thông và ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Tại hội nghị, bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết sắp tới tập trung hoàn thành các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong vùng đã được bố trí vốn.
Ở đường bộ, các tuyến quốc lộ, cao tốc trục dọc, trục ngang sẽ xây dựng hoàn chỉnh để kết nối TP HCM với các tỉnh ĐBSCL, bao gồm: cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ; tuyến Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc; tuyến Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu... và nâng cấp các tuyến quốc lộ 30, 53, 54, 57, 61.
Sau buổi kiểm tra tình hình đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ và các công trình dự án hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Thủ tướng chỉ thị cần đẩy nhanh thi công dự án Trung Lương - Mỹ Thuận; Khẩn trương khởi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, bảo đảm khởi công dự án trong quý I năm 2020. Đối với dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương triển khai các thủ tục đầu tư hạng mục thành phần cầu chính, bảo đảm khởi công trong Quý I năm 2020, phấn đấu hoàn thành, đưa dự án vào sử dụng đồng bộ với tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; Tiếp tục nghiên cứu đầu tư tuyến đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trong kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021-2026; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh triển khai đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không) tại khu vực ĐBSCL theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của các “vùng đất mới” thu hút giới đầu tư địa ốc
Nhờ nhiều lợi thế đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, BĐS Tây Nam Bộ đang trở thành điểm “nóng” mới của dòng vốn đầu tư. Đặc biệt, từ 2018 đến nay, Tây Nam Bộ đã đón nhận sự góp mặt của hầu hết “ông lớn” ngành địa ốc như: Vingroup, Mường Thanh, Văn Phú Invest, Phú Cường Group, Ceo Group, Sun Group, Kita Invest Group, FLC Group, Thủ Đức House, Nam Long Group, LDG Group, T&T Group, Cát Tường Group, DIC Group….
Nhìn nhận khách quan, với quỹ đất rộng nên BĐS Tây Nam Bộ có mức giá mềm hơn nhiều so với các thị trường vệ tinh đã phát triển trước đó như Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu…. Đó cũng là lý do khiến BĐS Tây Nam Bộ thu hút nhà đầu tư mạnh mẽ ở giai đoạn này.
Ngoài các thị trường “gạo cội” như Cần Thơ và Kiên Giang, hiện nay, nhà đầu tư đang dồn sự quan tâm về các vùng đất “mới nổi”, còn nhiều dư địa để tăng trưởng như: Hậu Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu thậm chí là Cà Mau…
Tiệm cận thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và đặc biệt là thành phố Vị Thanh – “thủ phủ” của Hậu Giang đang “bung mưa” dự án, điển hình là 2 khu đô thị lớn: dự án Victory City Hậu Giang của DIC với quy mô 70ha, xây dựng theo tiêu chuẩn đô thị hiện đại với các công trình nhà ở, thương mại, dịch vụ vui chơi giải trí, tạo ra quỹ nhà ở cho khoảng 24.000 dân và dự án khu đô thị Cát Tường Western Pearl của tập đoàn đia ốc Cát Tường, quy mô 78ha vừa được chính thức trình làng vào 28/09 vừa qua, được biết dự án có mức giá từ 790 triệu/nền và đã có giấy CNQSDĐ từng nền.
Tương tự, LinkHouse ra mắt khu đất nền Vạn Phát Residence tại Cái Tắc, Hậu Giang. Mới đây nhất, TNR Holdings Việt Nam "trình làng" dự án đất nền TNR Stars Thoại Sơn quy mô đến 11,29ha tại Thoại Sơn, An Giang; Trước đó, Đất Xanh Tây Nam Bộ cũng chào bán dự án Thạnh Phú Center với quy mô hơn 11ha tại Bến Tre...
Tại thị trường Đồng Tháp, BĐS cũng tăng mạnh sau sự xuất hiện của một số dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Trước đó là Vincom Plaza Cao Lãnh của Vingroup và gần đây nhất là khu đô thị FLC La Vista Sadec của Tập đoàn FLC với quy mô 15ha, định hướng trở thành một khu đô thị đầy đủ tiện ích, là không gian sống tiêu chuẩn cao đồng thời cũng là điểm đến mua sắm, giải trí lý tưởng của người dân cũng như du khách vùng Tây Nam Bộ. Thị trường Sóc Trăng cũng rất sôi động với khu đô thị mới Hồ Nước Ngọt quy mô 47ha hay dự án khu đô thị mới 5A với tổng diện tích lên đến 112.87ha.
Những vùng đất “mới nổi” sẽ là điểm ngắm của các ông lớn BĐS trong thời gian tới. Mặc nhiên một điều, khi làn sóng dịch chuyển của các doanh nghiệp lớn ở các vùng đất mới nổi thì sẽ kéo theo hoạt động đầu tư cá nhân gia tăng.
Mỹ Lan