Cuối năm 2020, vợ chồng anh Nguyễn Đình Trọng được giới thiệu một căn nhà diện tích 30m2, có ngõ ô tô tránh tại khu vực Thanh Đàm (phường Thanh Trì, Quận Hoàng Mai, Hà Nội) với giá 3,1 tỷ đồng. Dù rất thích vị trí cũng như thiết kế của căn nhà, nhưng vì số tiền quá lớn so với khả năng tài chính nên vợ chồng anh Trọng quyết định tích góp thêm, chờ thời gian sau sẽ mua.
“Hai vợ chồng tôi chỉ có 1,5 tỷ tiền tiết kiệm, nếu mua nhà thời điểm đó thì phải vay ngân hàng 1,6 tỷ đồng. Số tiền vay quá lớn nên hai vợ chồng tính để tiền làm ăn rồi chờ thêm thời gian nữa mới mua”, anh Trọng nói.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2021, giá nhà đất liên tiếp xảy ra các cơn sốt khiến mặt bằng giá tăng cao chóng mặt. Căn nhà trước kia anh chị định mua hiện được chủ mới rao bán lại với giá 4,3 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong 1 năm, giá đã tăng 1,2 tỷ đồng. Trong khi đó, cả năm 2021, hai vợ chồng anh chị đi làm cũng chỉ tích góp thêm được khoảng 300 triệu đồng.
“Với đà tăng như thế này, việc mua nhà hay mua đất với vợ chồng tôi vẫn rất xa vời”, anh Trọng buồn bã nói.
Theo anh Trọng, anh đã đi khảo sát nhiều nơi và nhận thấy với số tiền gần 2 tỷ đồng, giờ gần như anh không thể mua được căn nhà nào có sổ đỏ trên thị trường, trừ những nhà bị lỗi phong thủy.
“Những căn nhà ngõ bé, chưa đầy 2m, giá cũng tăng lên gần 3 tỷ đồng/căn diện tích 30m2”, anh Trọng cho hay.
Giống anh Trọng, vợ chồng chị Phạm Thị Dung (Hà Đông, Hà Nội) cũng rơi vào thế bí khi giá nhà đất tại các khu vực xa nội thành Hà Nội cũng tăng chóng mặt. Chị Dung dự định mua một mảnh đất rộng 50m2, giá khoảng 600 triệu đồng ở xã Ngọc Nhị, Ba Vì (Hà Nội) để xây nhà ở. Tuy nhiên mảnh đất này vừa cọc xong thì có nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao hơn để ôm lại.
Chị Dung kể, từ khoảng tháng 10/2020 đến nay, đất Ba Vì liên tục tăng giá. Nhà đầu tư, “cò đất” đổ về vùng quê này săn đất, khiến giá đất tăng phi mã. Hồi cuối tháng 11/2020, chị Dung đã cọc 50 triệu cho một miếng đất 600 triệu đồng kia, nhưng sau đó chủ đất hủy cọc vì có nhà đầu tư ở Hưng Yên trả giá cao gấp gần 1,5 lần. Miếng đất 600 triệu anh chị đã tăng lên 800 triệu đồng chỉ sau 1 tuần.
Chị Phạm Thị Hoa ở Sơn Tây thông tin, những mảnh đất có vị trí ổn đều đã có chủ và được mua đi bán lại nhiều lần với mức giá cao gấp đôi, gấp ba ban đầu.
“Người lao động có thu nhập thấp như chúng tôi giờ rất khó tìm được những mảnh đất phù hợp để mua vì giá cao, trong khi những lô hợp lý thì môi giới, nhà đầu tư sẽ ôm ngay lập tức, không tìm ra đất để mua”, chị Hoa nói.
Thực tế, câu chuyện giá nhà tăng chóng mặt đã có những con số thống kê đầy đủ. Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, giá bất động sản năm 2021 tăng mạnh. Đơn cử, vùng ven Thủ đô Hà Nội như Quốc Oai tăng 20%, Ba Vì tăng 45%, một số điểm thuộc các tỉnh như Hòa Bình tăng 46%, Bắc Ninh tăng 20%, Hưng Yên tăng 26%.
Khảo sát của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho thấy, 70% người dân đô thị có nhu cầu nhà ở với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2. Thế nhưng, nghịch lý ở chỗ, tại TP.HCM, không còn dự án nhà ở bình dân nào có mức giá như vậy trong suốt 2 năm qua. Tình trạng tại Hà Nội cũng không khả quan hơn. Thay vào đó, mức giá 40-50 triệu đồng/m2 chiếm số lượng áp đảo. Thậm chí, một số thời điểm, phân khúc cao cấp còn chiếm tỷ trọng cao nhất trên thị trường.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra, dòng sản phẩm chung cư, nhà ở giá 2 tỷ đồng sẽ "tuyệt chủng". Điều đó đồng nghĩa với việc cơ hội sở hữu một căn nhà của rất nhiều người ngày càng trở nên xa vời, hoặc phải mất nhiều năm để tích lũy.
Theo VTC