Theo đó, từ ngày 18-11, Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) áp dụng chính sách miễn hầu hết các loại phí giao dịch tài khoản cho khách hàng doanh nghiệp, bao gồm phí quản lý tài khoản, phí chuyển tiền trong nước và phí giao dịch tiền mặt.
Theo đại diện PVcomBank, phí dịch vụ của ngân hàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như số tiền giao dịch, loại hình dịch vụ sử dụng, loại tiền giao dịch, địa lý, chuyển nội tỉnh hay liên tỉnh, trong nước hay quốc tế... Cách tính của từng ngân hàng cũng khác nhau, doanh nghiệp phải chi thêm trung bình từ 10.000 đồng cho tới 20 triệu đồng/giao dịch.
Nhiều ngân hàng đang miễn giảm phí rút tiền ATM cho khách hàng. Ảnh: Linh Anh
"Doanh nghiệp còn phải chi trả thêm các phí khác như phí quản lý tài khoản, phí giao dịch tiền mặt. Những khoản phí này chiếm một phần không nhỏ trong chi tiêu của doanh nghiệp. Và động thái của PVcomBank nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí vận hành" - đại diện PVcomBank nói.
Đáng lưu ý, cả ngân hàng thương mại nước ngoài tại Việt Nam cũng nhập cuộc xu hướng giảm phí. Ngân hàng TNHH MTV Hong Leong Việt Nam vừa thông báo áp dụng mức phí mới theo hướng miễn phí chuyển khoản ngoài hệ thống tại máy ATM cho tất cả khách hàng không ưu tiên, thay vì thu phí 5.000 đồng/giao dịch như trước. Đồng thời, phí in sao kê giao dịch rút gọn cũng được áp dụng 0 đồng cho cả khách hàng ưu tiên lẫn không ưu tiên, trong khi mức phí trước đây là 20.000 đồng/giao dịch.
Trước đó, nhiều ngân hàng thương mại như Techcombank, VPBank, VIB, TPBank, Nam A Bank… và cả "ông lớn" là Vietcombank cũng tham gia miễn giảm phí, thậm chí đua phí 0 đồng cho khách hàng.
Theo các chuyên gia, xu hướng chạy đua miễn, giảm phí xuất hiện gần đây đang lấn át, tạo sức ép cạnh tranh buộc các NH thương mại khác phải tham gia và có thể trở thành xu hướng trong thời gian tới. Đặc biệt, trong bối cảnh phần lớn các ví điện tử đang áp dụng chính sách miễn, giảm phí khi chuyển tiền, rút tiền, giao dịch cũng gia tăng cạnh tranh với NH thương mại.