Những người bị bắt gồm ông Nguyễn Văn Minh (SN 1955), Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (sau là Tổng Công ty CP Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương, viết tắt là TCT Bình Dương); Trần Nguyên Vũ (Giám đốc TCT Bình Dương); Huỳnh Thanh Hải (thành viên HĐQT TCT Bình Dương) do sai phạm nghiêm trọng tại dự án Khu đô thị - Thương mại – Dịch vụ (KĐT-TM-DV) Tân Phú có diện tích 430.000m2 (43 ha) tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Gây thiệt hại cho ngân sách hàng ngàn tỷ đồng
Trưa 8/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt khẩn cấp các bị can là lãnh đạo TCT Bình Dương, gồm: ông Nguyễn Văn Minh (Chủ tịch HĐQT TCT Bình Dương); Trần Nguyên Vũ (Giám đốc TCT Bình Dương) và Huỳnh Thanh Hải (thành viên HĐQT TCT Bình Dương). TCT Bình Dương có 100% vốn Nhà nước, chủ sở hữu là Tỉnh ủy Bình Dương. Ngành nghề: Kinh doanh địa ốc, bất động sản; xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông; kinh doanh vật tư, dụng cụ y tế, đầu tư tài chính…
Như Chuyên trang Tieudung.vn của Báo Kinh tế và Đô thị đã phản ánh loạt bài chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại TCT Bình Dương xảy ra trong quá trình liên doanh, chuyển nhượng lòng vòng diện tích 43ha đất thuộc dự án KĐT-TM-DV Tân Phú. Theo đó, sau khi được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho TCT Bình Dương đầu tư dự án Khu liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ - Đô thị Bình Dương (Khu liên hợp Bình Dương - PV) tại thị xã Thủ Dầu Một (nay là TP Thủ Dầu Một) vào năm 2005 và được giao diện tích hơn 5.409.692 m2 (hơn 540 ha).
Khu đất 43ha được lãnh đạo TCT Bình Dương chuyển nhượng lòng vòng, cuối cùng rơi vào tay Kim Oanh Group, khiến ngân sách Nhà nước thất thoát hàng ngàn tỷ đồng.
Đến ngày 1/7/2010, TCT Bình Dương do ông Nguyễn Văn Minh, Tổng Giám đốc (bên A) ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Bất động sản Âu Lạc (Công ty Âu Lạc) do ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Giám đốc (bên B) để thỏa thuận thành lập Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú (Công ty Tân Phú) với vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Bên A góp vốn 60 tỷ đồng tiền mặt (30%), bên B góp 140 tỷ đồng (70%), thực hiện dự án KĐT-TM-DV Tân Phú.
Theo hợp đồng liên doanh, dự án được chia thành ba giai đoạn, trong đó quy định việc góp vốn phải hoàn tất chậm nhất vào tháng 2/2011. Thế nhưng cả TCT Bình Dương lẫn Công ty Âu Lạc không thực hiện việc góp vốn điều lệ như đã ký kết mà chỉ nộp nhỏ giọt. Đến ngày 8/12/2016, TCT Bình Dương cố tình ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất toàn bộ 430.000m2 cho Công ty Tân Phú chỉ với giá hơn 250 tỷ đồng (581.653 đồng/m2). Trong khi trước đó vào ngày 23/12/2015, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành quyết định 66/2015/QĐ-UBND về quy định bảng giá đất ở đô thị tại khu vực TP Thủ Dầu Một với mức giá chuẩn tại vị trí 1 là 24,57 triệu đồng/m2, vị trí 2 giá 7,7 triệu đồng/m2 và vị trí 3 giá 5,64 triệu đồng/m2. Chỉ cần so sánh giá do liên doanh TCT Bình Dương với Công ty Âu Lạc bán cho Công ty Tân Phú đã thấy rẻ hơn 42,2 lần giá do UBND tỉnh Bình Dương quy định.
Nếu áp đúng giá do chính UBND tỉnh Bình Dương quy định tại quyết định 66/2015/QĐ-UBND ngày 23/12/2015, giá trị tổng diện tích đất ở tại KĐT-TM-DV Tân Phú lên tới 3.204 tỷ đồng chỉ với phần diện tích đất ở. Còn nếu tính tổng diện tích 430.000m2 của dự án, số tiền lên tới hơn 5.000 tỷ đồng. Như vậy trong phi vụ “hóa giá đất vàng” tại dự án nêu trên, TCT Bình Dương đã gây thiệt hại cho Nhà nước gần 3.000 tỷ đồng.
Vi phạm nghiêm trọng nhiều quy định pháp luật
Sau đó TCT Bình Dương thuê đơn vị thẩm định giá đất rồi chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc với giá hơn 161,1 tỷ đồng (1,4 triệu đồng/m2). Ngay sau khi nhận chuyển nhượng 30% của TCT Bình Dương trong Công ty Tân Phú, Công ty Âu Lạc lập tức “sang tay”, và đơn vị mua cuối cùng được thể hiện trên hồ sơ kế toán là Công ty CP Đầu tư và phát triển Kim Oanh (TP Hồ Chí Minh), người đại diện pháp luật là bà Đặng Thị Kim Oanh (SN 1970, Tổng giám đốc). Ngày 28/1/2018, Kim Oanh Group làm lễ động thổ dự án KĐT-TM-DV Tân Phú với quy mô hơn 2.000 lô đất nền, nhà phố liền kề trên diện tích 430.000m2 nêu trên.
Cụ thể những sai phạm nghiêm trọng là: Tại hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) ngày 8/12/2016, đối với khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú, TCT Bình Dương đã không tuân thủ theo trình tự, thủ tục về xác định giá trị đất theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành; Về giá trị chuyển nhượng khu đất 43ha, hai bên góp vốn (TCT Bình Dương và Công ty Âu Lạc thành lập liên doanh là Công ty Tân Phú) để thực hiện dự án không đúng thời hạn như hợp đồng ký kết.
Đến tháng 12/2016, thực hiện chuyển nhượng khu đất 43ha, nhưng lại lấy giá của thời điểm ký kết hợp đồng hợp tác liên doanh vào năm 2010 là 570.000 đồng/m2. Tổng số tiền chuyển nhượng 250,1 tỷ đồng, thấp hơn giá đất do UBND tỉnh Bình Dương ban hành năm 2016 là 125,195 tỷ đồng, thấp hơn giá của Công ty CP Thông tin và Thẩm định giá Tây Nam bộ (SIAC) tại thời điểm tháng 3/2017 để chuyển nhượng 30% vốn là 328,623 tỷ đồng. Như vậy, về giá chuyển nhượng khu đất 43ha này thực hiện không đúng quy định pháp luật, làm thất thoát tiền của ngân sách Nhà nước nhiều tỷ đồng.
Trong việc chuyển nhượng 30% vốn tại Công ty Tân Phú, trong quá trình thực hiện TCT Bình Dương có các vi phạm: Giá trị chuyển nhượng 30% vốn theo quy định tại điểm d khoản 1 điều 38 Nghị định 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ “về việc chuyển nhượng vốn Nhà nước có liên quan đến QSDĐ phải tuân thủ quy định của Luật Đất đai. Dù TCT Bình Dương đã thuê Công ty SIAC xác định giá trị doanh nghiệp (trong đó có giá trị đất 43ha), nhưng căn cứ theo khoản 3 điều 114 Luật Đất đai năm 2013, thì kết quả thẩm định giá này chưa được Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh xem xét trước khi trình UBND tỉnh quyết định.
Bị phát giác sai phạm, xin từ chức nhưng không được
Việc TCT Bình Dương xin góp vốn thành lập liên doanh để thực hiện dự án, nhưng không triển khai thực hiện mà chủ yếu là chuyển nhượng đất và chuyển nhượng vốn góp vào liên doanh để thu lợi nhuận. Qua hai lần chuyển nhượng đã thu lợi nhuận sau thuế cho TCT Bình Dương gần 200 tỷ đồng. Nhưng việc làm này không đúng với mục đích, chủ trương của Tỉnh ủy Bình Dương cho TCT Bình Dương tiếp tục thực hiện hợp tác với Công ty Âu Lạc để đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án tại khu đất có diện tích 43ha.
Trong quá trình ban hành các văn bản xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương xử lý khu đất 43ha, TCT Bình Dương đã không nhất quán. Chỉ trong một thời gian ngắn (từ ngày 14/4/2017 đến ngày 20/8/2019), TCT Bình Dương ban hành nhiều văn bản thay đổi phương án sử dụng khu đất 43ha. Cụ thể, khi thì đề nghị chuyển giao QSDĐ Khu đô thị Tân Phú 43ha cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương quản lý; khi thì kiến nghị Thường trực Tỉnh ủy cho phép điều chỉnh phương án không chuyển giao khu đất trên cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương, mà chỉ chuyển giao 30% phần vốn góp của TCT Bình Dương tại Công ty Tân Phú cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương.
Ngày 29/8/2016. Thường trực Tỉnh ủy ban hành công văn số 477-CV/TU, đồng ý không chuyển giao khu đất diện tích 43ha cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương để TCT Bình Dương tiếp tục thực hiện chủ trương tại công văn 1830-CV/TU ngày 17/8/2010 của Thường trực Tỉnh ủy. Nhưng sau 8 tháng, TCT Bình Dương lại ban hành văn bản xin Tỉnh ủy cho chủ trương chuyển nhượng 30% vốn góp của TCT Bình Dương trong liên doanh Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc.
Sau khi bị nêu những sai phạm nghiêm trọng trong quản lý, kinh doanh tài sản là bất động sản do Nhà nước giao. Đến giữa tháng 11/2019, ông Nguyễn Văn Minh có đơn xin xin từ chức nhưng không được chấp thuận. Trước đó vào ngày 16/12/2019, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại Tổng Công ty sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV (TCT Bình Dương) để tiếp tục điều tra.